Nhảy đến nội dung
trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi

Trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi phát triển thế nào và chăm sóc đúng cách?

14 ngày từ khi chào đời là khoảng thời gian vừa đủ để mẹ chứng kiến những biến chuyển của trẻ 2 tuần tuổi. Ở thời điểm này, con đã dần làm quen với âm thanh, ánh sáng và lịch trình sinh hoạt của môi trường mới nên sẽ xuất hiện nhiều phản ứng thú vị hơn. Vậy, để biết được sự phát triển của trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi và lưu ý khi chăm sóc, mời mẹ cùng Friso tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

1. Cơ thể của trẻ có gì thay đổi sau 14 ngày đầu tiên?

Sau 2 tuần đầu tiên ra khỏi bụng mẹ, các vết trầy xước nhẹ hoặc bầm tím trên mí mắt của trẻ đã hoàn toàn biến mất. Một số trẻ bị xuất huyết dưới da ở vùng mắt (do tác động từ lực rặn của mẹ khi sinh) cũng mất đi trong tuần này. Mặt khác, do các nếp da thừa gấp ở góc trong mắt và khả năng kiểm soát cơ chưa hoàn chỉnh, nên đôi khi mẹ có thể trông thấy mắt trẻ như bị lác.

Bên cạnh đó, mặc dù đầu của trẻ vẫn đang phát triển từng ngày, nhưng khi quan sát mẹ sẽ thấy kích thước đầu con hơi nhỏ hơn một chút so với tuần 1. Điều này là do tình trạng sưng hay biến dạng sau khi sinh không còn nữa, nên mẹ không cần quá lo lắng. Tốt nhất, hãy chú ý đến các vết bớt trên người trẻ, bởi đây có thể là dấu hiệu trẻ bị u máu (hemangioma) thường xuất hiện khoảng vài tuần sau sinh. Nếu nhận thấy chúng nổi gần vị trí mắt, miệng, mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.

sự phát triển của trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi

 

2. Khám phá sự phát triển của trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi

Bên cạnh những thay đổi về cơ thể, bé con của cả nhà cũng đã bộc lộ các cột mốc phát triển mà bố mẹ có thể nhận thấy. Cụ thể:

2.1. Phát triển thể chất ở trẻ tuần thứ 2

Nếu những ngày đầu sau sinh trẻ bị sụt cân sinh lý thì vào ngày thứ 10, cân nặng của con sẽ trở lại mức khi sinh. Vậy mẹ có thắc mắc trẻ 2 tuần tuổi tăng bao nhiêu cân không? Đáp án là mỗi tuần con có thể tăng từ 20g đến 30g và đạt khoảng 4,5 - 5cm vào cuối tháng đầu tiên.

2.2. Sự phát triển về nhận thức ở trẻ 2 tuần tuổi

Não bộ của trẻ ở tuần thứ 2 đã phát triển mạnh mẽ hơn, giúp con xuất hiện nhiều phản xạ tự nhiên như có thể nháy mắt khi thấy ánh sáng, phản ứng với âm thanh và hướng về nơi có giọng nói nhẹ nhàng, dỗ dành.

Đặc biệt, đánh dấu cho sự phát triển của trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi là con đã có phản xạ Moro. Theo đó, khi mẹ cho bé nằm ngủ hoặc đặt xuống đột ngột, bé sẽ vung tay và búng chân, có thể kèm theo khóc. Ngoài ra, phản xạ bú của bé cũng phát triển mạnh mẽ, con sẽ há miệng và tìm núm vú nếu mẹ vuốt ve má hoặc miệng.

2.3. Khả năng quan sát của trẻ 2 tuần tuổi

Trong quá trình tìm hiểu trẻ 2 tuần tuổi biết làm gì, đôi khi, mẹ có thể thấy con nhìn chăm chú vào khuôn mặt của mình từ một khoảng cách gần, tương đương với khoảng cách bú mẹ. Lúc này, mẹ nên tận dụng cơ hội này để giao tiếp với con, bằng cách mỉm cười, làm trò và nói chuyện càng nhiều càng tốt.

2.4. Trẻ có biểu hiện thích mút ngón tay cái

Đây là một trong những phản xạ tự nhiên nhằm giúp trẻ cảm giác dễ chịu hơn. Ở vài lần đầu tiên, trẻ có thể chỉ thử đưa tay vào miệng, nhưng sau khi cảm thấy thích thú, thoải mái, con sẽ mút ngón tay cái có chủ đích. Song, mẹ có thể tập cho bé mút núm vú giả, tránh việc tự mút ngón tay sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.

trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi biết làm gì

 

2.5. Những vấn đề sức khỏe thường gặp ở bé 2 tuần tuổi

Ở 2 tuần tuổi, trẻ có thể gặp phải một số vấn đề sức khỏe như sau:

   • Táo bón: Tình trạng trẻ 2 tuần tuổi bị táo bón, đi ngoài phân cứng thường do mẹ ăn đồ khó tiêu, cay nóng làm ảnh hưởng đến chất lượng sữa cho con bú.

   • Chảy nước mắt: Nguyên nhân bé chảy nước mắt sống có thể là do mắt bé bị nhiễm trùng hoặc tiếp xúc với bụi bẩn. 

   • Nhiễm trùng rốn: Mặc dù hiếm gặp nhưng nhiễm trùng rốn có thể xuất hiện sau khi cắt dây rốn hoặc vài ngày sau khi sinh.

   • Vấn đề thính giác: Mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ nếu bé con dường như không phản ứng với tiếng ồn lớn.

3. Cách chăm sóc trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi mẹ cần biết

Để thúc đẩy sự phát triển của trẻ 2 tuần tuổi, phụ huynh nên tham khảo bí quyết chăm con được chia sẻ dưới đây:

3.1. Chăm sóc giấc ngủ cho trẻ

Hầu hết thời gian của trẻ 2 tuần tuổi là dành cho việc ngủ, khoảng 15 - 18 giờ/ngày và con chỉ thức dậy khi ăn hoặc chơi đùa một lúc. Do đó, việc ưu tiên chăm sóc giấc ngủ cho trẻ là yếu tố hàng đầu. Để tránh trẻ giật mình trong lúc ngủ, mẹ cần giữ không gian yên tĩnh và thường xuyên da kề da, vỗ về tạo cảm giác yên tâm cho con. Bên cạnh đó, mẹ cũng nên bắt đầu tập cho trẻ phân biệt ngày đêm để ổn định chu kỳ giấc ngủ về sau. Bằng cách tắt hết đèn, nói chuyện nhỏ nhẹ vào ban đêm và mở cửa phòng thông thoáng, chơi đùa với trẻ vào ban ngày.

Có nên đánh thức trẻ 2 tuần tuổi để cho uống sữa không?

Nhiều phụ huynh khá thắc mắc liệu có cần đánh thức trẻ để cho bú hay không, khi thấy con ngủ liên tục hơn vài giờ vào ban đêm. Theo đó, mẹ chỉ nên đánh thức trẻ dậy bú nếu chưa đạt được mức cân nặng chuẩn, nhằm đảm bảo con nhận đủ dinh dưỡng để bắt kịp đà tăng trưởng. Còn với các bé phát triển tốt và ngủ lâu hơn thì mẹ không cần quá lo lắng. Điều quan trọng là hãy đảm bảo trẻ ngủ an toàn, tránh chèn quá nhiều gối, gấu bông có thể làm trẻ ngạt thở.

 

3.2. Chú ý các dấu hiệu trẻ quấy khóc

Trẻ sơ sinh thường quấy khóc khi đói, nhưng đôi khi trẻ khóc vì những lý do khác, chẳng hạn như không thoải mái, mệt mỏi hoặc bị kích thích quá mức. Để nhận biết con khóc vì điều gì, mẹ hãy quan sát các biểu hiện kèm theo.

   • Dấu hiệu buồn ngủ: Mắt hơi đờ đẫn, ngáp, chớp mắt liên tục và không tập trung.

   • Dấu hiệu đòi ăn: Mút môi dưới hoặc tay, mở miệng và rúc vào ngực mẹ.

Ngoài ra, nếu con đã được cho bú sữa khoảng 2 giờ trước đó hoặc bé không muốn uống sữa, thì việc trẻ tỏ ra khó chịu có thể do mệt mỏi và cần được ru ngủ.

cách chăm sóc trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi

 

3.3. Cho trẻ 2 tuần tuổi uống đủ sữa 

Để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của con, các bố mẹ cũng quan tâm đến việc trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi uống bao nhiêu ml sữa 1 cữ là đủ? Thông thường, trẻ sẽ bú khoảng 60 - 90ml sữa mỗi cữ và mẹ không cần cho trẻ uống thêm nước, vì trong sữa đã có hơn 95% là nước.

3.4. Vệ sinh vùng rốn của trẻ đúng cách

Một điều cần lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi là vệ sinh vùng rốn của con đúng cách. Hầu hết cuống rốn của trẻ sơ sinh sẽ khô và rụng khi được 2 tuần tuổi. Song, nếu cuống rốn chưa rụng, mẹ cần chú ý luôn giữ cho rốn khô và sạch, không ngâm mình bé quá lâu trong nước. Sau khi tắm xong cần dùng khăn bông mềm lau nhẹ nhàng để tránh nhiễm trùng.

3.5. Thường xuyên thay tã cho trẻ

Trung bình trẻ 2 tuần tuổi cần thay tã ít nhất 4 - 6 lần một ngày. Trong đó, trẻ không còn đi ngoài ra phân su mà bắt đầu đi phân lỏng màu vàng, có hạt lổn nhổn (thường thấy ở trẻ bú mẹ). Chính vì thế, mẹ nhớ kiểm tra tã khi thấy bé khóc, nếu tã ướt, bẩn thì thay ngay để giữ cho bé sạch sẽ và thoải mái. Ngoài ra, mẹ có thể sử dụng loại tã có vạch hay hoa văn giúp báo hiệu thời điểm tã đủ ướt để thay.

4. Một số thắc mắc thường gặp khi trẻ 2 tuần tuổi

Trong quá trình chăm con, các mẹ cũng có một số câu hỏi như:

- Trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi đi ngoài mấy lần là bình thường?

Em bé của bạn nên đi đại tiện khoảng 3 đến 4 lần mỗi ngày.

- Bé 2 tuần tuổi nhìn thấy những gì?

Em bé hai tuần tuổi đã có thể nhìn thấy vật chuyển động ở khoảng cách từ 8cm đến 18cm trước mặt. Đặc biệt, con rất thích nhìn những gương mặt tươi cười và màu sắc tươi sáng như đỏ, cam, xanh, vàng…

cách chăm sóc trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi

 

Qua những thông tin trên chắc hẳn bố mẹ đã biết được sự phát triển của trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi. Có thể thấy, đây là khoảng thời gian thú vị để trẻ bắt đầu phát triển một số kỹ năng mới. Tuy nhiên, trẻ 2 tuần tuổi vẫn đang trong giai đoạn dần thích nghi với môi trường bên ngoài. Do đó, mẹ cần chú ý chăm sóc trẻ và bổ sung sữa đầy đủ để con có thể phát triển một cách toàn diện. Ngoài ra, mẹ đừng quên theo dõi Blog Chăm sóc con của Friso thường xuyên, để trang bị thêm những kiến thức hữu ích cho hành trình nuôi con sắp tới nhé!

Trang này có hữu ích không?

Friso cám ơn những phản hồi của mẹ
Friso cám ơn những phản hồi của mẹ
bé không chịu bú mẹ thì phải làm sao

Bé không chịu bú mẹ thì phải làm sao? 11 giải pháp cho mẹ

Trẻ không chịu bú mẹ trong thời gian dài có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe như bé chậm lớn, không tăng cân, dễ bị ốm vặt,...Vậy bé không chịu bú mẹ thì phải làm sao? Cùng Friso khám phá 11 giải pháp trong bài viết dưới đây nhé.