1. Trẻ sơ sinh đi ngoài ra nước vàng có phải bị tiêu chảy?
Mẹ có biết, hình thái của phân và số lần đi ngoài của trẻ sơ sinh sẽ thay đổi liên tục từ lúc mới lọt lòng đến khi được 1 tháng tuổi? Do vậy, để biết trẻ sơ sinh đi ngoài ra nước vàng có đang bị tiêu chảy hay không còn phụ thuộc vào nguồn sữa, tình trạng phân và tần suất đi ngoài của bé:
Đối với trẻ bú mẹ hoàn toàn
Trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn thường đi ngoài từ 5 - 6 lần/ngày, khi càng lớn thì số lần đi tiêu sẽ giảm xuống còn 3 - 4 lần/ngày. Phân của trẻ có màu xanh đậm, vàng, xanh sáng, hơi lỏng, có hạt, có bọt nhớt và đôi khi trẻ có đi ngoài ra nước vài lần trong ngày. Điều này là bình thường ở trẻ sơ sinh bú sữa mẹ.
Đối với trẻ bú sữa công thức
Trẻ sơ sinh bú sữa công thức có tần suất đi ngoài khoảng 8 lần/ngày trong tuần đầu tiên và sẽ giảm xuống khoảng 4 lần/ngày cho đến khi được 2 tháng tuổi. Phân của trẻ có màu nâu, xanh nâu, vàng nâu và dạng đặc sệt. Nếu trẻ đi ngoài ra nước vàng nhiều lần trong ngày thì có khả năng bị tiêu chảy cao hơn khi bú mẹ, có thể là do dị ứng sữa, không dung nạp được đường trong sữa hay mẹ pha sữa chưa đúng cách.
Trong một vài trường hợp, trẻ đi ngoài ra nước vàng có thể là dấu hiệu của bệnh tiêu chảy khi kèm theo các biểu hiện như:
- Số lần đi ngoài phân lỏng nhiều hơn so với bình thường, có thể tràn ra khỏi bỉm hoặc tã lót.
- Phân có chất nhầy lẫn máu, có mùi hôi và tanh.
- Bé bị mất nước, mệt mỏi, ít đi tiểu, nước tiểu có màu vàng đậm, khô môi/mắt/da, thóp trên đỉnh đầu bị trũng.
- Bé bị sốt, bỏ bú hoặc bú kém.
2. Nguyên nhân trẻ sơ sinh đi ngoài nhiều lần có nước vàng bất thường
Trẻ đi ngoài ra nước vàng bất thường có thể do một số nguyên nhân sau:
- Nhiễm Rotavirus: Rotavirus là chủng virus dạng vòng gây tiêu chảy ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bé nhiễm loại virus này thường có các biểu hiện như nôn mửa, tiêu chảy, mất nước, sút cân, ho, sốt. Bệnh lây lan chủ yếu qua đường tay - miệng và phân - miệng, vi khuẩn lúc này dễ dàng tấn công vào hệ tiêu hóa non nớt của bé và gây tiêu chảy.
- Nhiễm khuẩn, ký sinh trùng: Các loại vi khuẩn E.coli, Shigella từ thức ăn không đảm bảo vệ sinh và ký sinh trùng Giardia lamblia có trong nguồn nước, thực phẩm nhiễm bẩn cũng là lý do khiến trẻ bị đi ngoài ra nước nhiều lần.
- Sử dụng kháng sinh: Thuốc kháng sinh có thể tiêu diệt cả hại khuẩn và lợi khuẩn, làm mất đi sự cân bằng hệ vi sinh trong đường ruột. Điều này dễ dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hóa ở trẻ, trong đó có tiêu chảy.
- Pha sữa sai cách, chọn sai loại sữa: Pha sữa không theo đúng tỷ lệ khuyến cáo, quá đặc hoặc quá loãng và chọn sữa không phù hợp, có đạm sữa khó tiêu hóa cũng là nguyên nhân khiến bé bị tiêu chảy, đi ngoài ra nước nhiều lần.
3. Trẻ sơ sinh đi ngoài ra nước vàng có nguy hiểm không?
Nhìn chung, nếu trẻ đi ngoài có nước vàng nhưng vẫn bú sữa, ngủ ngon và tăng cân bình thường thì mẹ không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, trường hợp trẻ đi ngoài có nước vàng cùng với nhiều triệu chứng bất thường sau đây thì mẹ cần phải đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay để được điều trị kịp thời.
- Bé không muốn bú sữa, quấy khóc, ngủ không sâu giấc.
- Phân có mùi hôi nặng và có mỡ.
- Tiêu chảy kéo dài hơn 48 tiếng.
- Sốt và nôn hơn 12 tiếng.
4. Cách xử lý khi trẻ sơ sinh đi ngoài nhiều lần có nước
Để cải thiện tình trạng trẻ sơ sinh đi ngoài ra nước vàng nhiều lần, mẹ có thể áp dụng một vài cách sau:
- Cho trẻ bú sữa nhiều hơn: Mẹ cho con bú sữa liên tục trong thời gian bị đi ngoài ra nước vàng để bù lượng nước mất đi. Nếu trẻ mệt, bỏ bú thì mẹ có thể chia thành nhiều cữ bú nhỏ, đảm bảo cho con được nạp đủ dưỡng chất.
- Có thể bổ sung oresol bù nước cho trẻ: Trường hợp đi ngoài ra nước quá nhiều, bé mất nước và mệt mỏi thì mẹ có thể cho con uống oresol để bù nước, điện giải, giảm bớt tình trạng tiêu chảy. Tuy nhiên, khi sử dụng cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ hoặc dược sĩ.
- Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho mẹ: Với trẻ bú mẹ hoàn toàn, mẹ nên chú ý bổ sung các thực phẩm có lợi như khoai lang, cà rốt, lá tía tô, nước dừa để tăng cường kháng thể trong sữa, giúp hệ miễn dịch của con thêm khỏe mạnh. Đồng thời mẹ cũng cần tránh các thực phẩm có hại như đồ ăn nhanh, đồ nhiều dầu mỡ, nước có ga,...
- Vệ sinh sạch sẽ sau mỗi lần thay tã cho trẻ: Trẻ sơ sinh đi ngoài nhiều lần có nước thường dễ bị hăm tã, khiến vùng da ở đây bị tấy đỏ, rát và có mùi. Điều này càng làm cho bé khó chịu, quấy khóc và ngủ không sâu giấc. Mẹ nên thay tã thường xuyên khi con đi ngoài, lau sạch da với khăn mềm, sau đó lau khô da và mặc tã mới vào.
- Thay đổi sữa công thức: Trường hợp trẻ bị tiêu chảy sau khi uống sữa ngoài thì mẹ nên dừng cho con uống và xem xét đổi sang loại sữa khác. Nên chọn sữa chứa nhiều chất xơ, đạm sữa dễ tiêu hóa và giúp cải thiện sức khỏe đường ruột của con.
Như vậy, dựa vào những biểu hiện đi kèm mà mẹ có thể nhận biết tình trạng trẻ sơ sinh đi ngoài ra nước vàng có phải là triệu chứng của bệnh tiêu chảy hay không. Hy vọng qua bài viết này, mẹ sẽ biết cách xử lý khi trẻ sơ sinh đi ngoài nhiều lần có nước để bé yêu nhanh chóng hồi phục sức khỏe và phát triển tối ưu cả về thể chất lẫn tinh thần nhé.