Sữa bột (sữa công thức) là sản phẩm đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với các thành phần dinh dưỡng thiết yếu, hỗ trợ bé phát triển khỏe mạnh trong trường hợp không nhận được đủ sữa mẹ.
Để con yêu hấp thụ vi chất tối ưu trong sữa, bố mẹ nên tuân theo hướng dẫn pha sữa cho trẻ sơ sinh đúng cách từ nhà sản xuất như sau:
Bố mẹ nên sử dụng nước sạch đun sôi đến 100 độ (trong vòng 3 - 5 phút), để nguội khoảng 40 độ C để pha sữa cho bé.
Có không ít cha mẹ chia sẻ cho nhau cách pha sữa cho trẻ sơ sinh bằng nước khoáng, nước rau luộc hoặc nước hoa quả. Tuy nhiên, điều này là không tốt vì có thể gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của bé.
- Pha sữa cho trẻ sơ sinh bằng nước khoáng
Nhiều phụ huynh cho rằng, dùng nước khoáng pha sữa cho bé tiện hơn do không phải mất công đun sôi. Nhưng với trẻ sơ sinh, do hệ tiêu hóa của bé chưa phát triển hoàn thiện nên khó có thể chuyển hóa thành công vi chất có trong nước khoáng. Hậu quả là về lâu dài, cơ thể của trẻ thiếu hụt đáng kể, cản trở quá trình phát triển cũng như tăng nguy cơ sỏi thận.
- Pha sữa cho trẻ sơ sinh bằng nước hoa quả
Không thể phủ nhận trái cây là nguồn cung cấp dồi dào các loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Song, nếu sử dụng nước trái cây để pha sữa cho trẻ sơ sinh thì hoàn toàn không phù hợp. Bởi hoa quả sau khi được ép ra chứa rất nhiều vitamin C và một số axit hữu cơ. Những hoạt chất này khi hòa vào bột sữa có thể làm vón casein (một loại protein trong sữa), dẫn đến trẻ em bị đầy bụng và khó tiêu.
- Pha sữa cho trẻ sơ sinh bằng nước rau luộc
Cách pha sữa cho trẻ sơ sinh bằng nước luộc rau củ như cà rốt, củ dền, bắp cải, củ cải đường cũng khá phổ biến. Tuy nhiên, nước luộc rau có chứa hàm lượng nitrate rất cao, khi vào cơ thể có thể kết hợp với hemoglobin của hồng cầu, tạo ra methemoglobin khiến hồng cầu giảm khả năng vận chuyển oxy khắp cơ thể.
Hơn nữa, không thể đảm bảo các loại rau đều hoàn toàn “sạch”, không chứa thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, dùng nước luộc rau pha sữa cũng có thể khiến trẻ bị ngộ độc thực phẩm.
Ngoài những loại nước trên đây, bố mẹ cũng không nên sử dụng nước lã để pha sữa cho trẻ sơ sinh.
Đối với cách pha sữa cho trẻ sơ sinh, bố mẹ nên lưu ý một số vấn đề quan trọng sau đây:
Nhiều phụ huynh thắc mắc pha sữa cho trẻ sơ sinh bao nhiêu ml là phù hợp. Trên thực tế, để xác định nhu cầu uống sữa của trẻ, đòi hỏi bố mẹ phải dựa vào mỗi giai đoạn phát triển của con.
Bố mẹ có thể tham vấn ý kiến bác sĩ chuyên khoa hoặc khuyến cáo từ nhà sản xuất sữa để hiểu rõ hơn về lượng sữa nên cho con uống mỗi ngày.
Theo khuyến cáo từ nhà sản xuất, bố mẹ nên pha sữa cho trẻ sơ sinh ở nhiệt độ dưới 40 độ C. Đây là mức độ lý tưởng để đảm bảo vi khuẩn có ích Probiotics còn sống.
Nếu pha sữa với nước nóng, nhiệt độ quá cao của nước khiến dưỡng chất trong sữa mất đi, cũng như phá hủy cấu trúc của vitamin. Ngược lại, pha sữa cho trẻ sơ sinh bằng nước lạnh khiến bột sữa khó hòa tan và gây ra một vài vấn đề về tiêu hóa ở trẻ.
Thêm một lưu ý quan trọng dành cho những ai lần đầu làm cha mẹ, đó là nước ấm phải được đun sôi, sau đó để nguội ở môi trường bên ngoài. Điều này hoàn toàn khác hẳn việc dùng một phần nước sôi pha với hai phần nước nguội để tạo thành nước ấm. Tuy có vẻ tiện lợi, nhanh chóng, nhưng thực tế không tốt cho sức khỏe của trẻ chút nào.
Bên cạnh hiểu rõ cách pha sữa cho trẻ sơ sinh, biết được cách bảo quản sữa đã pha như thế nào cũng rất quan trọng để giúp bảo toàn dinh dưỡng và hương vị thơm ngon cho bé khi thưởng thức:
Bảo quản sữa công thức đã pha trong tủ lạnh, với thời gian tối đa 24 giờ, để ngăn chặn vi khuẩn sinh sôi phát triển.
Đậy kín sữa đã pha thật kỹ.
Trước khi cho bé bú cữ sữa mới, mẹ nên kiểm tra sữa liệu có còn dùng được không, dù thời gian bảo quản chưa đủ 24 tiếng đồng hồ.
Sử dụng bình ủ chuyên dụng mỗi khi ra ngoài, để duy trì độ ấm của sữa và cho bé dùng trong vòng 4 tiếng.
Cần lưu ý không bao giờ làm ấm bình sữa trong lò vi sóng vì sẽ khiến chất dinh dưỡng mất đi, đồng thời khiến sữa quá nóng, sẽ làm bé bị phỏng miệng. Thay vào đó, bạn nên hâm nóng bình sữa bằng cách ngâm trong một chậu chứa nước nóng khoảng 10 phút.
Đối với lượng sữa dư thừa, mẹ nên đổ bỏ hoặc uống hết, tránh cho bé sử dụng lần nữa. Do trong sữa dư có chứa nước bọt của trẻ. Sữa cũng có thể bị nhiễm khuẩn khi bảo quản ở nhiệt độ phòng sau 1 giờ. Nếu cho trẻ uống lại có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe đường ruột.
Không được bổ sung bất kỳ thực phẩm hay nước ép nào khác vào sữa (khi chưa có chỉ định chính thức từ bác sĩ chuyên khoa). Điều này ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe và hệ tiêu hóa của con.
Bữa ăn là khoảng thời gian ấm áp để bố mẹ và con cái tương tác cùng nhau. Do đó, khi cho trẻ dùng sữa công thức, bạn nên ẵm sát bé vào lòng, sau đó thì thầm trò chuyện, để tạo nên trải nghiệm gần gũi và tuyệt vời nhất cho cả hai mẹ con.
Nếu trẻ đã có dấu hiệu no bụng, bạn nên cất bình sữa thay vì ép bé uống hết. Điều này nhằm hạn chế tình trạng căng thẳng mỗi khi ăn ở bé. Ngoài ra, bố mẹ có thể chia sữa thành nhiều cữ trong ngày để con được hấp thu tốt và đầy đủ dưỡng chất hơn.
Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp các bậc phụ huynh nắm rõ cách pha sữa cho trẻ sơ sinh chuẩn nhất. Bố mẹ nên tuân theo hướng dẫn của nhà sản xuất để giúp con nhận trọn vẹn các dưỡng chất từ sữa công thức cũng như hạn chế các vấn đề về tiêu hóa do pha sữa sai cách gây ra.
Chú ý: Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ; các yếu tố chống nhiễm khuẩn, đặc biệt là kháng thể chỉ có trong sữa mẹ có tác dụng giúp trẻ phòng, chống bệnh tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường hô hấp và một số bệnh nhiễm khuẩn khác.