Nhảy đến nội dung
sự phát triển thị giác ở trẻ

[Khám phá] Sự phát triển thị giác ở trẻ sơ sinh như thế nào?

Sau khi chào đời, đôi mắt của trẻ sơ sinh dường như chưa quen với ánh sáng bên ngoài nên lúc nào cũng nhắm nghiền lại. Điều này làm cho cha mẹ tò mò không biết sự phát triển thị giác ở trẻ như thế nào, liệu trẻ có thể nhìn được mọi vật giống như người lớn? Hãy cùng với Friso tìm hiểu bài viết dưới đây để có giải đáp cho thắc mắc này, phụ huynh nhé!

1. Khi nào trẻ sơ sinh có thể nhìn thấy?

Đa phần đôi mắt của trẻ sơ sinh đã nhìn thấy được ngay khi chào đời. Tuy nhiên, do lúc này não bộ chưa sẵn sàng xử lý và giải thích thông tin phức tạp nên mọi thứ trong tầm nhìn còn mờ nhạt. Đến giai đoạn từ 9 đến 12 tháng tuổi, thị giác của trẻ đã phát triển tốt hơn. Điều này giúp trẻ nhìn thấy màu sắc, hình thể, cũng như mọi vật xung quanh một cách rõ ràng. 

Những điều thú vị về sự phát triển thị giác ở trẻ sơ sinh

Trẻ nhận ra mẹ rất sớm: Giai đoạn mới chào đời, mặc dù thị lực của trẻ kém hơn 60 lần so với người lớn nhưng chỉ sau 48 tiếng đồng hồ, trẻ đã có thể nhận ra mẹ. 

Thị lực phát triển cùng với trí tuệ: Các nghiên cứu cho thấy, những gì trẻ nhìn được trong giai đoạn đầu đời có thể giúp phát triển não bộ. Từ đó, mang lại nhiều tác động tích cực đến khả năng nhận thức, học hỏi, tập trung và ghi nhớ. 

Trẻ có thể mắc phải tật khúc xạ tự nhiên: Trẻ sơ sinh dễ mắc phải một số tật khúc xạ tự nhiên, song cha mẹ không cần lo lắng vì đây là do võng mạc của trẻ đang phát triển. Ngoài ra, phụ huynh có thể phát hiện trẻ phản ứng với ánh sáng rực rỡ bằng cách nhấp nháy đôi mắt. 

2. Sự phát triển thị giác ở trẻ sơ sinh trong độ tuổi đầu tiên

Nắm rõ từng cột mốc phát triển thị giác ở trẻ giúp cha mẹ có biện pháp chăm sóc, cải thiện và bảo vệ đôi mắt của con:

2.1. Giai đoạn từ 0 tháng tuổi: Trẻ đang thích nghi với ánh sáng

Khi mới chào đời, đôi mắt của trẻ sơ sinh vô cùng nhạy cảm với ánh sáng. Mẹ có thể nhìn thấy đồng tử của trẻ hay co lại trong hai tuần đầu tiên để hạn chế ánh sáng xâm nhập. Đến tuần thứ 3, đồng tử bắt đầu giãn ra để ánh sáng lọt vào nhiều hơn và khi được 4 tuần tuổi, trẻ đã thích nghi tốt với ánh sáng. Từ đó, mẹ có thể khám phá nhiều thay đổi thú vị về thị giác của trẻ sơ sinh ở giai đoạn tiếp theo. 

2.2. Giai đoạn 1 - 2 tháng tuổi: Trẻ nhìn thấy màu gì đầu tiên?

Từ 1 đến 2 tháng tuổi, trẻ sơ sinh đã nhìn và phân biệt được một số màu sắc cơ bản như đỏ, xanh dương, xanh lá. Tuy nhiên, đối với hình thái màu sắc tương đồng như màu đỏ và màu cam thì khả năng nhận biết của trẻ chưa tốt. 

Bên cạnh đó, ở giai đoạn này, trẻ sơ sinh đã có tầm nhìn ngoại vi tốt hơn. Trẻ cũng biết tập trung nhìn vào một vật đang chuyển động cách 1m, đồng thời phối hợp linh hoạt giữa tai và mắt. Điều này có nghĩa, khi mẹ đong đưa đồ chơi có âm thanh cách trẻ 20 - 30 cm thì trẻ có thể phản ứng lại bằng cách nhìn chăm chú.

sự phát triển thị giác ở con trẻ

2.3. Sự phát triển thị giác ở trẻ 2 - 4 tháng tuổi: Mở rộng tầm nhìn tốt hơn

Từ 2 đến 4 tháng tuổi, phạm vi thị giác của trẻ sơ sinh được mở rộng đáng kể. Cụ thể là khi mẹ đặt trẻ ngồi cửa sổ, trẻ không chỉ nhìn thấy lớp kính mà còn quan sát được mọi việc đang diễn ra sau tấm kính đó. Ngoài ra, trẻ còn có thể ghi nhớ chuyển động của đồ vật. Chẳng hạn, nếu có vật thể nào thay đổi vị trí thì con ngay lập tức đưa mắt nhìn theo. 

2.4. Giai đoạn 4 - 8 tháng tuổi: Con đã nhìn và nhớ được khuôn mặt của mẹ

Lúc này, trẻ sơ sinh đã nhìn được các đồ vật nhỏ, chi tiết và hiểu hơn về tính cố định của vật thể. Ví dụ như, nếu mẹ giấu đồ chơi dưới tấm chăn ngay trước mặt con thì trẻ có thể biết chính xác vị trí món đồ được giấu. Không chỉ vậy, 4 - 8 tháng tuổi cũng là thời điểm trẻ phân biệt được hình thái màu sắc khác nhau, đồng thời trẻ đã nhận ra, ghi nhớ và mỉm cười khi thấy khuôn mặt quen thuộc của cha mẹ trong phạm vi 2m.

2.5. Giai đoạn 9 - 12 tháng tuổi: Thị giác của con dần hoàn thiện

Đây là thời điểm trẻ sơ sinh đã có khả năng thị giác giống như người lớn. Cụ thể là trẻ nhìn được đồ vật ở khoảng cách rất xa, nhận biết từng màu sắc khác nhau, cũng như phối hợp linh hoạt giữa các cơ và mắt. Mặc dù vậy, đôi mắt của con vẫn chưa phát triển trọn vẹn nên kiểm tra mắt thường xuyên là điều bác sĩ khuyến khích bố mẹ thực hiện, để nâng cao thị lực tốt hơn cho trẻ. 

Sự phát triển thị giác ở trẻ sinh non như thế nào?

So với các trẻ sinh thường, trẻ sinh non có nguy cơ mắc bệnh về mắt cao hơn. Lý do là trẻ không được sinh đủ tháng nên mạch máu võng mạc cũng không được phát triển hoàn chỉnh. 

Điều này dẫn đến các cạnh của võng mạc ngoại vi không nhận đủ oxy và chất dinh dưỡng, từ đó gây ra bệnh lý liên quan đến võng mạc. Tuy nhiên, cha mẹ không cần quá lo lắng vì bệnh võng mạc do non tháng có thể điều trị được, nếu như mẹ chăm sóc và cho con bú hợp lý. 

3. Gợi ý phương pháp giúp trẻ sơ sinh phát triển thị giác tốt hơn

Tùy vào mỗi giai đoạn phát triển thị lực mà có phương pháp giúp trẻ tăng khả năng quan sát và nhận biết tốt hơn. Cụ thể:

3.1. Đối với trẻ 0 tháng tuổi

Vì trẻ mới sinh còn nhạy cảm với ánh sáng nên khuyến khích mẹ nên đặt con trong căn phòng tối, sử dụng ánh sáng mờ để tránh kích thích đôi mắt của con. Ngoài ra, khi cho con bú, hãy luân phiên đổi cả hai bên vú để trẻ quan sát mẹ bằng cả hai mắt. 

3.2. Đối với trẻ 1 - 2 tháng 

Để rèn luyện thị lực cho trẻ ở độ tuổi này, mẹ nên cho con chơi một vài trò chơi đơn giản. Ví dụ như, hãy đặt trẻ xa mẹ khoảng 15cm và nhìn vào đôi mắt của con. Khi phát hiện trẻ đã nhìn mẹ thì hãy di chuyển đồng tử từ từ sang hai bên. Điều này cũng kích thích trẻ làm theo, từ đó luyện tập đôi mắt linh hoạt cho trẻ. 

Ngoài ra, trẻ 1 - 2 tháng tuổi đã biết phản ứng trước biểu cảm trên khuôn mặt của cha mẹ. Do đó, hãy nhìn vào mắt con và mỉm cười hoặc nói chuyện. Như vậy, có thể giúp trẻ cải thiện thị giác, tăng chú ý và khả năng tập trung. 

3.3. Đối với trẻ 2 - 4 tháng tuổi 

Thời điểm này, mẹ nên tập cho con nhìn xa bằng cách dùng tay chỉ vào đồ vật bất kỳ ở khoảng cách nhất định, sau đó đọc tên để trẻ biết đó là gì. Ngoài ra, mẹ có thể trang trí kệ treo đồ chơi (kệ chữ A) trong phòng của con. Với nhiều đồ chơi được treo lủng lẳng phía trên, cách này có thể kích thích tò mò và phát triển thị giác của trẻ. 

3.4. Đối với trẻ 4 - 8 tháng tuổi

Trẻ sơ sinh ở độ tuổi này rất thích đồ chơi có nhiều màu sắc. Mẹ hãy tận dụng điều này để mua các loại trái cây, cho trẻ nhận biết màu sắc tự nhiên và hiểu hơn về mọi thứ xung quanh. 

3.5. Đối với trẻ 9 - 12 tháng tuổi

Để trẻ 9 - 12 tháng tuổi phát triển thị giác tốt hơn, mẹ nên đọc sách cùng với con. Trong đó, hãy ưu tiên quyển sách có nhiều màu sắc và hình ảnh minh hoạ sinh động. Mỗi khi có thời gian rảnh, hãy ôm con vào lòng, đặt sách trước mặt trẻ, vừa dùng tay chỉ vào hình ảnh, vừa đọc tên để trẻ tăng khả năng quan sát và nhận thức.

Giai đoạn này, trẻ cũng thích ngắm nhìn khuôn mặt của mọi người. Vì thế, mẹ và thành viên trong gia đình hãy thường xuyên chơi với con - đây cũng là cách tuyệt vời để kích thích khả năng ghi nhớ khuôn mặt của trẻ. 

sự phát triển thị giác ở trẻ nhỏ

4. Một số lưu ý cho phụ huynh khi chăm sóc đôi mắt của trẻ

Ngoài tìm hiểu về sự phát triển thị giác ở trẻ sơ sinh, cha mẹ cũng phải nắm rõ một số lưu ý sau đây để mang đến đôi mắt sáng, tinh anh cho trẻ:

4.1. Xây dựng chế độ ăn giúp phát triển thị giác tối ưu 

Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mẹ nên nuôi con bằng sữa mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu đời. Lý do là trong sữa của mẹ chứa nhiều dưỡng chất quan trọng, cần thiết để hỗ trợ trẻ sơ sinh phát triển tốt về thị lực.

Đối với trẻ đang bắt đầu ăn bổ sung, mẹ nên tăng cường thực phẩm giàu vitamin A (gan động vật, các loại trứng, sữa, cá chép); vitamin C ( dâu tây, súp lơ, cải bẹ trắng, thì là); vitamin E (các loại dầu thực vật như dầu đậu nành, dầu đậu phộng); lutein (bắp, cải bó xôi, trứng, cải xoăn) trong bữa ăn của trẻ. 

Bởi lẽ, các thực phẩm này không chỉ bảo vệ võng mạc, kích thích tầm nhìn và khả năng quan sát tốt, mà còn ngăn ngừa bệnh lý về mắt thường gặp ở trẻ như đục thủy tinh thể, cườm mắt, tắc tuyến lệ, viêm kết mạc. 

4.2. Hạn chế ánh sáng trong phòng ngủ

Khi ngủ, cơ mi được khép lại và đôi mắt bên trong được thư giãn, giúp trẻ có thể ngủ nhanh hơn. Tuy nhiên, khi trẻ ngủ dưới ánh sáng của đèn trong phòng, điều này làm cho đôi mắt tiếp tục hoạt động, đồng thời cơ mi co giãn liên tục, khiến trẻ khó ngủ hoặc ngủ không thẳng giấc. Vì thế, lời khuyên cho cha mẹ là hãy cho con ngủ trong phòng tối, kéo màn để có ánh sáng mờ, giúp trẻ dễ chợp mắt. 

Ngoài ra, đồ chơi treo ở phía trên hay bên cạnh giường phải được thay đổi vị trí thường xuyên. Mục đích là giúp trẻ nhìn được ở nhiều góc độ khác nhau, cũng như tránh tình trạng bị lác, giảm thị lực nếu chỉ nhìn ở một nơi cố định lâu dài. 

4.3. Vệ sinh mắt của trẻ mỗi ngày

Trẻ sơ sinh dễ bị đổ ghèn ngay mắt mỗi khi ngủ dậy. Mẹ nên chú ý điều này và vệ sinh mắt cho trẻ thường xuyên, để tránh tình trạng ghèn tích tụ nhiều, khiến trẻ khó mở mắt. Theo đó, các bước chăm sóc đôi mắt cho trẻ sơ sinh được thực hiện như sau:

   • Bước 1: Rửa tay thật sạch trước khi vệ sinh mắt cho trẻ. 

   • Bước 2: Chuẩn bị nước muối sinh lý chuyên dụng, 2 miếng gạc vô khuẩn để vệ sinh đôi mắt. 

   • Bước 3: Dùng nước muối sinh lý thấm ướt gạc vô trùng, lau nhẹ nhàng theo chiều từ đầu mắt đến đuôi mắt. Thực hiện khoảng 2 lần/ngày hoặc khi có ghèn xuất hiện. 

   • Bước 4: Nhúng một chiếc khăn mềm với nước ấm và lau nhẹ nhàng khuôn mặt của trẻ. 

4.4. Đưa trẻ sơ sinh đi khám mắt định kỳ

Theo khuyến nghị của Hội Nhãn Khoa Hoa Kỳ, cha mẹ nên chú ý đưa trẻ đi khám mắt định kỳ. Điều này giúp bác sĩ sớm phát hiện bệnh lý về mắt thường gặp ở trẻ sơ sinh, qua đó đưa ra biện pháp can thiệp kịp thời, giúp bảo vệ đôi mắt sáng cho con khi trưởng thành. 

sự phát triển thị giác ở trẻ

5. Sự phát triển thị giác ở trẻ sơ sinh: Khi nào cần đi khám với bác sĩ?

Nếu trẻ sơ sinh gặp phải một số triệu chứng sau đây thì cha mẹ nên đưa con đi khám để bác sĩ kiểm tra và điều trị kịp thời: 

   • Mí mắt đỏ hoặc sưng: Đây là dấu hiệu cho thấy mắt của trẻ bị nhiễm trùng hoặc dị ứng. 

   • Đảo mắt liên tục: Trẻ sơ sinh đang phát triển thị giác nên đôi mắt di chuyển thường xuyên là dấu hiệu bình thường. Tuy nhiên, nếu trẻ đảo mắt quá nhiều thì khả năng cao, trẻ đang gặp phải một bệnh lý về mắt. 

   • Trẻ nhạy cảm với ánh sáng: Nếu trẻ nhắm hai mắt khi tiếp xúc với ánh nắng hoặc đèn trong phòng thì có thể trẻ đang gặp phải vấn đề ở tế bào võng mạc. 

   • Đồng tử trắng: Đây chính là dấu hiệu của đục thủy tinh thể. Lúc này, cha mẹ nên đưa con đi khám với bác sĩ ngay. 

   • Chảy nước mắt quá nhiều: Điều này là do tuyến lệ của trẻ đang phát triển hoặc là do tắc tuyến lệ gây ra. 

Có thể thấy, sự phát triển thị giác ở trẻ sơ sinh trong mỗi giai đoạn là hoàn toàn khác nhau. Ngoài nắm rõ điều này, cha mẹ cũng phải trang bị thêm kiến thức về dinh dưỡng, cách chăm sóc hợp lý để nâng cao thị lực tốt hơn cho con. Trường hợp phát hiện dấu hiệu bất thường ở mắt, hãy lập tức đưa trẻ đi khám để bác sĩ có thể đưa ra biện pháp can thiệp phù hợp, kịp thời. 

Trang này có hữu ích không?

Friso cám ơn những phản hồi của mẹ
Friso cám ơn những phản hồi của mẹ
trẻ 3 tháng tuổi biết làm gì

Trẻ 3 tháng tuổi biết làm gì? Sự phát triển của bé mà mẹ nên biết

Tháng thứ 3 là cột mốc đáng nhớ trong hành trình phát triển của trẻ. Lúc này không chỉ cơ thể bé trở nên linh động và hoạt bát hơn mà còn xuất hiện nhiều phản ứng đa dạng mỗi ngày. Vậy trẻ 3 tháng tuổi biết làm gì? Hãy đọc tiếp bài viết sau để hiểu rõ hơn mẹ nhé!