Nhảy đến nội dung
các mốc phát triển của trẻ sinh non

Các mốc phát triển của trẻ sinh non và lưu ý khi chăm sóc

So với các trẻ sinh đủ tháng, trẻ sinh non vẫn có thể phát triển bình thường, nhưng cần được chú ý nhiều hơn để đề phòng các vấn đề sức khỏe. Hiểu được điều này, Friso đã tổng hợp các mốc phát triển của trẻ sinh non trong 18 tháng đầu đời, giúp bố mẹ dễ dàng theo dõi và có cách chăm sóc phù hợp để hỗ trợ con phát triển khỏe mạnh.

1. Trẻ sinh non là như thế nào?

Sinh non được hiểu là khi em bé chào đời ở thời điểm từ 22 tuần đến trước 37 tuần, sớm hơn mốc thời gian dự sinh an toàn (từ tuần 39 - 41). Do đó, khi đối chiếu các mốc phát triển của trẻ sinh non trong 2 - 3 năm đầu đời, mẹ không thể so sánh với trẻ sinh đủ tháng mà cần căn cứ vào tuổi điều chỉnh (*). 

Chẳng hạn, nếu bé sinh sớm 6 tuần thì khi so sánh mức độ phát triển cần lùi lại 6 tuần so với tuổi trên giấy khai sinh, tức là con chỉ mới 2 tháng rưỡi. Hoặc một em bé 6 tháng tuổi, nhưng được sinh ra sớm 2 tháng, thì tuổi điều chỉnh của bé là khoảng 4 tháng tuổi.

(*) Tuổi điều chỉnh thường chỉ áp dụng trong vòng 2 - 3 năm đầu đời. Sau thời gian đó, hầu hết trẻ sinh non đã bắt kịp các cột mốc quan trọng.

các mốc phát triển của trẻ sinh non 1

Trẻ sinh non có phát triển bình thường không?

Trẻ sinh non càng ít tuần tuổi thì nguy cơ mắc các bệnh lý hay các vấn đề liên quan sức khỏe (như thị lực, tiêu hóa, răng miệng…) càng cao. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng không nên quá lo lắng, bởi mỗi em bé sinh non đều khác nhau về tuổi thai, cân nặng và có những yếu tố nguy cơ khác nhau. Quan trọng là cần phát hiện điều trị và chăm sóc đúng khoa học ngay từ sớm bởi điều này sẽ giúp tăng tỷ lệ sống sót và hỗ trợ trẻ sinh non phát triển bình thường.

2. Tìm hiểu sự phát triển của trẻ sinh non

Khi đã hiểu được trẻ sinh non là gì, phụ huynh có thể theo dõi sự tiến triển của trẻ ở mỗi lĩnh vực để sớm phát hiện ra những dấu hiệu bất thường. Cụ thể:

2.1. Sự phát triển thể chất

Thông thường, một trẻ sinh non phải đạt ít nhất 2kg trước khi sẵn sàng rời lồng ấm. Trong đó, tiêu chuẩn tăng cân ít nhất là 5g/ngày ở trẻ sinh cực non (sinh trước 28 tuần tuổi), hoặc 20g/ngày với bé sinh rất non (sinh từ 28 - 31 tuần 6 ngày tuổi). Và trong bất cứ trường hợp nào, trẻ sơ sinh cũng cần tăng lên 15g mỗi ngày. Do vậy, nhằm đảm bảo bắt kịp đà tăng trưởng, trẻ sinh non cần được chăm sóc kỹ về vấn đề cân nặng. Nếu bé tăng cân chỉ bằng ⅓ chỉ số theo yêu cầu thì là trẻ sinh non chậm phát triển, mẹ cần mau chóng thông báo với bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời.

2.2. Khả năng vận động

Khi bé ra đời, bác sĩ sẽ kiểm tra các mốc phát triển của trẻ sinh non về dấu hiệu vận động cơ thể như hệ xương, sự khác biệt về cơ bắp ở các bên… Trong đó, chỉ có khoảng 40% trẻ sinh non đạt được mốc phát triển về kỹ năng vận động tinh (xếp hình, cầm bút chì), lên kế hoạch vận động (hiểu trò chơi, biết tránh né các chướng ngại vật), phối hợp hoạt động mắt và tay (viết, vẽ), và cuối cùng là kỹ năng vận động xúc cảm (phân biệt nặng nhẹ, cầm nắm nhiều đồ vật không để rơi vãi). Ngoài ra, dựa vào việc chẩn đoán các kỹ năng phát triển của bé như ngồi, bò, đi bộ… thì có đến 10 - 15% trẻ sinh non có thể mắc bệnh bại não, suy yếu hoàn toàn về vận động.

các mốc phát triển của trẻ sinh non 2

Trẻ sinh non mấy tháng biết ngồi, bò và đi?

Trẻ sinh non có thể biết ngồi vào khoảng 6 tháng, biết bò vào 9 tháng và biết đi khoảng 12 tháng. Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng đạt được đúng vào thời điểm này mà có thể nhanh hoặc chậm hơn.

Trong khi chờ đợi và theo dõi tình trạng của trẻ thì bố mẹ cũng nên tìm hiểu và tập cho trẻ những bài tập cứng cổ. Trường hợp nếu phát hiện ra trẻ sinh non chậm lẫy có kèm theo những biểu hiện của chậm phát triển vận động, bố mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế hoặc các trung tâm phục hồi chức năng được cấp phép để có thể đánh giá và can thiệp điều trị từ sớm.

2.3. Các mốc phát triển của trẻ sinh non về giác quan

Mặc dù trẻ sinh non vẫn phát triển giác quan bình thường, nhưng lại có nhiều khả năng mắc bệnh về thính giác hoặc thị giác. Theo đó, khoảng 2 - 6% bé sinh non có nguy cơ mắc phải các khiếm khuyết liên quan đến khả năng nghe; và khoảng 1 - 2% trẻ gặp vấn đề về hạn chế tầm nhìn, nheo mắt, kém nhận thức về chiều sâu. Chính vì thế, các bé nên được kiểm tra thính giác và nhãn khoa thường xuyên, để phát hiện và giải quyết kịp thời, giúp bé phát triển tốt khả năng ngôn ngữ sau này.

2.4. Phát triển về ngôn ngữ

Như đã chia sẻ, so với trẻ đủ tháng, trẻ sinh non thường gặp khó khăn trong việc nói và giao tiếp nên có xu hướng chậm phát triển ngôn ngữ hơn. Tuy nhiên, bố mẹ có thể giúp con cải thiện khả năng kiểm soát ngôn ngữ, bằng cách thường xuyên giao tiếp, đọc sách và hát cho bé nghe cũng như chú ý đáp lại con trong mỗi cuộc trò chuyện.

các mốc phát triển của trẻ sinh non 3

2.5. Khả năng nhận thức, tư duy

Trong quá trình quan sát các mốc phát triển của trẻ sinh non, bố mẹ có thể nhận ra một số hạn chế về kỹ năng tư duy, nhận thức khi bé đến tuổi đi học. Đó là những lúc trẻ gặp rắc rối khi được yêu cầu ghi nhớ, nhận dạng mặt chữ, tập đọc, học hát… Hoặc bé có thể cảm thấy khó khăn khi phải tư duy để giải quyết vấn đề, lên kế hoạch, tập trung chú ý vào công việc. Do đó, trong giai đoạn này, bố mẹ cần ở bên cạnh hướng dẫn, hỗ trợ thêm để giúp con hoàn thiện các khả năng nhận thức và tư duy.

Trẻ sinh non có thông minh không?

Nhiều nghiên cứu phát hiện, các bé càng chào đời sớm thì nguy cơ có chỉ số IQ thấp sẽ càng tăng lên so với trẻ được sinh đủ tháng. Vì thế, bố mẹ cần đặc biệt quan tâm và có các biện pháp hỗ trợ trẻ phát triển não bộ như: Trò chuyện xoay quanh vấn đề bé biết và quan tâm (ví dụ một món đồ chơi, món ăn yêu thích), cùng bé chơi các trò tăng cường trí nhớ (đố vui, trò chơi ô chữ, thẻ flashcard), sử dụng ngôn ngữ ký hiệu trước khi bé biết nói.

Hoặc đơn giản hơn là cho trẻ nghe các thể loại âm nhạc khác nhau, hay chơi một loại nhạc cụ. Việc tiếp xúc với nhiều âm sắc, âm vực sẽ giúp trẻ thu nhận ngôn ngữ và kỹ năng đọc, từ đó có ích cho sự phát triển trí não.

2.6. Giao tiếp, thể hiện cảm xúc

Khóc được coi là “tiếng nói” đầu tiên mà bé sơ sinh dùng để bày tỏ nhu cầu. Tuy nhiên, những trẻ sinh non nằm trong khu vực chăm sóc tích cực thường không khóc, trừ khi bị đau trong quá trình chữa bệnh.

Mặt khác, trong các mốc phát triển của trẻ sinh non những năm đầu đời, con sẽ dành phần lớn thời gian để ngủ, thay vì giao tiếp. Bé cũng hay cáu kỉnh, khó giữ bình tĩnh và ăn uống không ngon, ngủ kém… Chính vì vậy, bố mẹ phải thường xuyên quan sát bé và có những phương pháp hỗ trợ để giúp con cải thiện kỹ năng thể hiện cảm xúc, giao tiếp trong tương lai.

2.7. Mọc răng ở trẻ sinh non

Trẻ sinh non có nguy cơ mắc bệnh răng miệng nhiều hơn trẻ đủ tháng, đặc biệt là khi bé có thân hình nhỏ và hay bị đau ốm. Theo đó, các vấn đề về răng gồm có:

   • Men răng bất thường: Có màu xám hoặc nâu, bề mặt răng không đều, dễ hình thành sâu răng nếu bé có ít men răng.

   • Lâu mọc răng: Trẻ sinh non có thể chậm mọc răng vài tháng, nhưng vẫn mọc và thay răng theo trình tự thông thường.

Tốt nhất, phụ huynh nên tập cho bé học cách vệ sinh răng miệng càng sớm càng tốt. Đồng thời, vào thời điểm bé 1 tuổi, bố mẹ hãy đưa con đến nha sĩ để hiểu rõ các vấn đề răng miệng cũng như quan sát được sự phát triển răng của bé sinh non một cách rõ ràng.

các mốc phát triển của trẻ sinh non 4

3. Khám phá các mốc phát triển của trẻ sinh non 0 - 18 tháng đạt được

Ngoài việc nắm được sự phát triển của trẻ sinh non, nhiều phụ huynh cũng khá thắc mắc trẻ sinh non biết làm gì. Dưới đây là các hoạt động trẻ sinh non tháng có thể đạt được trong 18 tháng đầu đời mà bố mẹ nên biết:

   • Trẻ sinh non 2 tháng tuổi: Bây giờ trẻ bắt đầu kiểm soát được đầu và cổ của mình, nên thường cố gắng nâng đầu khi được đặt nằm sấp. Đặc biệt, con có thể tạo ra những âm thanh như tiếng thủ thỉ, tiếng khóc, cười với mọi người và nhận ra bố mẹ là người chăm sóc chính của mình.

   • Trẻ sinh non 4 tháng tuổi: Trẻ sinh non mấy tháng biết lật? Vào tháng thứ 4, bé đã có thể tự lật người, dùng lực của cánh tay nâng đầu và người lên cao khi nằm sấp. Trong thời gian nằm sấp đó, con rất thích thú quan sát, theo dõi khuôn mặt của những người xung quanh và nhìn chằm chằm vào những đồ vật nhiều màu sắc.

   • Trẻ sinh non 6 tháng tuổi: Đây là một trong những giai đoạn đánh dấu các mốc phát triển của trẻ sinh non - đã có thể tự ngồi vững một mình. Một số bé cứng cáp hơn đã bắt đầu tập bò bằng tay và đầu gối. Ngoài ra, bé còn bập bẹ nói vài từ đơn giản như “baba, mama”.

   • Trẻ sinh non 9 tháng: Không chỉ biết bò khắp mọi nơi, trẻ sinh non 9 tháng còn có thể bám vào các vật dụng khác để đứng dậy và nhặt đồ vật bằng ngón tay. Bé cũng hiểu một số cụm từ được bố mẹ lặp lại thường xuyên như “xin chào”, “đi ngủ”, “đến giờ tắm”, “há miệng ra”… 

   • Trẻ sinh non 12 tháng: Khi được 1 tuổi, trẻ sinh non có thể tự đứng và chập chững những bước đi đầu tiên mà không cần người lớn hỗ trợ. Chưa hết, bé đã biết khóc khi phải xa bố mẹ hoặc sử dụng các cử chỉ đơn giản để biểu lộ cảm xúc như lắc đầu, gật đầu hoặc vẫy tay chào tạm biệt.

   • Trẻ sinh non 15 tháng: Trẻ sinh non phát triển như thế nào khi được 15 tháng tuổi? Trong giai đoạn này bé đã có thể tự đi bộ khá vững, biết phân loại đồ chơi, hay nhìn và chỉ vào những hình ảnh trong sách.

   • Trẻ sinh non 18 tháng: Khi quan sát các mốc phát triển của trẻ sinh non vào tháng tuổi thứ 18, bố mẹ sẽ khá bất ngờ khi thấy trẻ có thể leo trèo lên các bậc cầu thang, hoặc bắt đầu biết chạy và kéo theo những chiếc xe đồ chơi. Cùng với đó, trẻ 18 tháng cũng rất thích tự cởi quần áo, uống nước, xúc thức ăn một mình. Hay lắc đầu nếu không hài lòng hoặc gật đầu và chỉ vào những thứ trẻ muốn.

các mốc phát triển của trẻ sinh non 5

4. Cách chăm sóc trẻ sinh non phát triển khỏe mạnh mẹ nên biết

Bên cạnh việc tiếp nhận các phương pháp chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện, cách chăm sóc trẻ sinh non tại nhà cũng đóng vai trò ảnh hưởng đến khả năng hồi phục và hoàn thiện cơ thể của con. Sau đây là những điều mẹ cần ghi nhớ trong quá trình chăm sóc để trẻ bắt kịp đà tăng trưởng khỏe mạnh.

4.1. Đảm bảo cung cấp dưỡng chất cho trẻ

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý giá cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sinh non. Bởi trong sữa mẹ chứa hàm lượng cao calo, vitamin và protein phù hợp với hệ tiêu hóa nhạy cảm của trẻ, giúp con dễ dàng tiêu hóa và hấp thu các dưỡng chất. Chưa kể, trong sữa mẹ còn rất giàu axit béo Phospholipids hỗ trợ trẻ phát triển trí não và thị giác, cùng các kháng thể có lợi cho hệ miễn dịch non yếu của bé như HMO, chất béo MCFA/SCFA, Alpha-lactalbumin… Chính vì vậy, trẻ sinh non cần được bú đủ sữa mẹ trong những năm tháng đầu đời, nhằm nhận được những lợi ích tuyệt vời kể trên.

4.2. Cho trẻ ngủ đủ giấc và giữ an toàn khi ngủ

Song song với dinh dưỡng, chất lượng giấc ngủ cũng là yếu tố quan trọng hỗ trợ con sớm đạt được các mốc phát triển của trẻ sinh non. Theo đó, bé sinh non cần được ngủ nhiều hơn bé sinh đủ tháng khoảng 16 - 20 giờ/ngày, nhưng mỗi giấc không quá 4 giờ. Để tạo sự thoải mái, dễ chịu, bố mẹ nên cho trẻ mặc đồ thoáng mát, rộng rãi. Khi ngủ, mẹ chú ý đặt bé nằm ngửa trên nệm êm để tránh nguy cơ mắc hội chứng đột tử (SIDS) do nằm sấp; đồng thời không chặn gối hay gấu bông quá nhiều có thể làm trẻ ngạt thở.

>>> Xem thêm: Thời gian ngủ của trẻ sơ sinh trung bình 1 ngày là bao nhiêu?

4.3. Chú ý theo dõi các dấu hiệu bất thường

Sau thời gian được chăm sóc, điều trị tại bệnh viện trở về nhà, phụ huynh cần chú ý theo dõi những dấu hiệu bất thường của bé sinh non như: Bé bú giảm 50% so với bình thường, hoặc ọc nhiều, chướng bụng… Ngoài ra, trẻ sinh non thường hay bị ngưng thở nên nếu phát hiện nhịp thở biến đổi, bố mẹ phải mau chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám ngay.

4.4. Thực hiện phương pháp Kangaroo (da kề da)

Đây là phương pháp được khuyến khích thực hiện khi chăm sóc trẻ sinh non tại nhà, với điều kiện con đã có khả năng bú mẹ và nuốt, không bị rối loạn về hô hấp, tim mạch. Thông qua việc tiếp xúc với làn da ấm áp của bố mẹ, trẻ sinh non sẽ nhận được nhiều lợi ích tuyệt vời như hỗ trợ điều hòa thân nhiệt, ổn định nhịp tim, nhịp thở, tăng cường hệ miễn dịch, kích thích tiêu hóa… Từ đó trẻ bú sữa tốt, ít quấy khóc và ngủ ngon hơn.

các mốc phát triển của trẻ sinh non 7

4.5. Một số lưu ý khác

Bé sinh non thường rất “nhạy cảm”, dễ mắc bệnh, đặc biệt là các bệnh hô hấp, nhiễm trùng… Vì thế, bố mẹ cần đặc biệt chú ý:

   • Không nên tắm bé hàng ngày, chỉ nên cách ngày hoặc khi bị bẩn. Sau khi vệ sinh xong, cần lau người bằng khăn bông mềm và giữ cuống rốn luôn khô ráo, sạch sẽ.

   • Đảm bảo phòng ốc thông thoáng, nhưng phải tránh gió lùa và giữ nhiệt độ phòng khoảng 27 - 28 độ C.

   • Thường xuyên thay ga, gối, nệm.

   • Hạn chế người thân hôn hay sờ vào người bé để tránh làm lây nhiễm mầm bệnh.

   • Chú ý tiêm ngừa đúng lịch và định kỳ kiểm tra sức khỏe trẻ theo chỉ định của bác sĩ.

Trên đây là toàn bộ thông tin về các mốc phát triển của trẻ sinh non mà Friso muốn gửi đến các phụ huynh. Nhìn chung, mỗi trẻ sẽ đạt được các cột mốc quan trọng ở thời điểm khác nhau. Điều quan trọng là bố mẹ cần chú trọng dinh dưỡng, giấc ngủ và theo dõi sức khỏe con cẩn thận, để đảm bảo bé sinh non phát triển bình thường, khỏe mạnh.

Trang này có hữu ích không?

Friso cám ơn những phản hồi của mẹ
Friso cám ơn những phản hồi của mẹ
trẻ chậm phát triển

Trẻ chậm phát triển: Nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả

Tình trạng chậm phát triển ở trẻ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây ra trở ngại trong việc vận động, giao tiếp và nhận thức sau này của con. Vì thế, bố mẹ nên đưa con đi gặp bác sĩ sớm để tìm hiểu nguyên nhân và có cách điều trị cho trẻ chậm phát triển. Nhờ vậy con mới có thể khôn lớn ổn định và bắt kịp so với các đứa trẻ khác.