Montessori là gì? Tổng hợp các đặc trưng chính của phương pháp Montessori
Montessori là một trong các phương pháp giáo dục cho trẻ độ tuổi mầm n.... read more
Trong 1 năm đầu đời, trẻ có nhiều sự thay đổi về thể chất, trí não, nhận thức và cảm xúc cá nhân. Chẳng hạn như biết bò, ngồi, bước đi, biết lắng nghe, biết cười và tò mò về mọi thứ xung quanh, đặc biệt là khả năng ghi nhớ khuôn mặt người thân và bắt đầu cảm thấy khó chịu khi thấy người lạ.
Cha mẹ nên dành thời gian chơi, tương tác thường xuyên với trẻ. Vì qua đó, con sẽ học hỏi được nhiều kỹ năng mới và phát triển về nhận thức, cảm xúc. Cụ thể như:
• Thông qua các trò chơi, trẻ sẽ khám phá và tương tác với thế giới xung quanh nhiều hơn.
• Trải nghiệm các trò chơi giúp trẻ xây dựng sức mạnh cơ bắp, phát triển khả năng vận động thể chất.
• Trò chuyện với trẻ là cơ hội để kết nối âm thanh, kích thích trẻ học cách tập nói và hiểu ngôn từ.
• Phản ứng với giọng nói của cha mẹ hoặc âm thanh quen thuộc giúp trẻ bình tĩnh và thoải mái hơn.
• Trẻ biết cầm nắm các đồ vật khác nhau giúp chúng tìm hiểu được nhiều thứ mới mẻ về thế giới xung quanh và kích thích thị giác.
• Chơi cùng nhau còn giúp cha mẹ và trẻ hiểu nhau hơn bởi vì qua các trò chơi, phụ huynh sẽ biết nhiều điều về tính cách của con.
Xem thêm: Cách giúp bố bận rộn có thêm thời gian trải nghiệm cùng con
Trẻ sơ sinh chưa thể chơi những trò chơi như trẻ lớn. Cha mẹ có thể kết nối với con bằng cách thu hút các giác quan của trẻ như thị giác, xúc giác, thính giác… qua các trò chơi như:
Cha mẹ nên chọn những bản nhạc êm dịu nhẹ nhàng như nhạc cổ điển, nhạc giao hưởng hoặc những nhạc trẻ, tình ca, trữ tình… Sau đó, bật nhạc và bế trẻ trong tư thế đầu con tựa vào vai hoặc lòng mình rồi lắc lư nhẹ nhàng theo giai điệu bài hát.
Đây là cách chơi với trẻ sơ sinh dễ thực hiện nhưng có thể giúp gắn kết tình cảm giữa cha mẹ và con cái cũng như kích thích khả năng sử dụng các giác quan cảm nhận âm thanh của trẻ.
Với cách chơi với trẻ sơ sinh này, cha mẹ hãy cầm những món đồ vật khác nhau, nhiều màu sắc như lục lạc, thú bông, đồ chơi… ra trước mắt để cho bé nhìn và quan sát một lượt. Sau đó di chuyển từ từ bên này sang bên kia để con ghi nhận vật thể trước mặt.
Những món đồ chơi không chỉ mang lại nhiều niềm vui cho trẻ sơ sinh mà còn giúp trẻ cảm nhận những điều khác biệt và mới lạ về thế giới xung quanh chúng. Đặc biệt là kích thích, mở rộng phạm vi thị giác và tăng mức độ tập trung cho mắt và não bộ.
Thói quen kể chuyện cho con nghe hằng ngày vào giờ con đang vui chơi hoặc khi chuẩn bị đi ngủ là một thói quen tốt nên duy trì. Tuy trẻ có thể chưa thể hiểu được ý nghĩa câu chuyện hoặc không theo dõi và có xu hướng quơ tay, giật sách từ cha mẹ… nhưng đây cũng là cách giúp trẻ phát triển nhận thức hiệu quả.
Khi bạn cho trẻ tiếp xúc lâu dài và lắng nghe những âm thanh mà bạn phát ra sẽ giúp kích thích các kỹ năng ngôn ngữ của trẻ, giúp con thông minh hơn, phát huy khả năng sáng tạo và phát triển cảm xúc sau này.
Trò chuyện hay phát ra âm thanh từng tiếng một và đợi con trả lời lại hoặc nhại lại theo âm thanh của con cũng là một cách đơn giản kích thích khả năng ngôn ngữ và “ham nói” của trẻ sau này.
Có thể thấy những năm đầu đời là giai đoạn vàng cho sự phát triển não bộ của trẻ. Do đó, cha mẹ nên dành thời gian nói chuyện cùng con để giúp trẻ tăng trưởng trí não và phát triển nhận thức.
Những hành động và biểu cảm như mỉm cười, thè lưỡi, làm mặt vui nhộn… sẽ kích thích thế giới quan và kích thích các biểu cảm khuôn mặt của trẻ (con sẽ bắt chước theo cha mẹ).
Một cách chơi với trẻ sơ sinh khác là cho con thử cầm nắm và lấy đồ vật, từ quần áo đến đồ chơi. Điều này vô cùng cần thiết để giúp xúc giác, khả năng vận động bàn tay của trẻ phát triển. Để an toàn hơn khi chơi, bạn có thể cho bé chạm vào những trang phục hằng ngày, đồ trang trí ít chi tiết…
Có thể bạn chưa biết nhưng hành động nằm sấp sẽ giúp trẻ phát triển mạnh mẽ sức mạnh ở cổ, lưng và cánh tay để chuẩn bị cho các cột mốc quan trọng trong tương lai như lăn lộn, ngồi dậy và bò. Vì vậy, mỗi ngày hãy cho trẻ tập nằm sấp lên ngực mình từ 30 giây đến vài phút tùy vào mức độ thoải mái của con. Đồng thời, luôn theo dõi trẻ sơ sinh trong thời gian nằm sấp, nếu con bắt đầu thấy khó chịu hoặc khóc thì nên tạm dừng để tránh tình trạng trẻ bị ngạt thở.
Gợi ý cách chơi với trẻ sơ sinh tiếp theo là cùng con chơi trò vượt chướng ngại vật. Trò chơi này sẽ giúp trẻ rèn luyện kỹ năng vận động khi con đã bắt đầu tập bò.
Cha mẹ có thể cho con chơi những trò đơn giản tại nhà như lấy gối xếp thành con đường cho con bò qua, dùng hộp giấy để làm đường ống, dựng lều bằng mền, đường hầm đồ chơi. Nhưng lưu ý, khi chơi với con, cha mẹ cần chú ý giám sát để đảm bảo an toàn cho con.
Đây là trò chơi mà bố mẹ có thể chơi cùng với trẻ sơ sinh khi phần trên cơ thể của trẻ đã cứng cáp và con có thể ngẩng đầu lên. Bạn có thể thực hiện trò chơi này bằng nhiều cách như đứng thẳng, ôm lấy hai bên hông của bé rồi nhấc lên qua đầu mình hoặc bạn nằm ngửa trên sàn, đặt con trên ống chân, nắm tay con và dùng chân để bay xung quanh.
Trò chơi này sẽ giúp trẻ tiếp tục tăng cường sức mạnh cơ thể và xây dựng nền tảng vững chắc để trẻ thực hiện các hoạt động khó sau này.
Một cách chơi với trẻ sơ sinh khá đơn giản là trò chơi ú òa. Trò chơi này có thể thực hiện vào bất cứ thời gian nào. Bạn có thể dùng tay hoặc các vật dụng có thể che được mặt như nón, khăn tay, mền, gối… sau đó lấy chúng xuống để lộ khuôn mặt, nhìn vào bé và phát ra tiếng “ú òa”. Lúc này, bé sẽ ngạc nhiên và bật cười thành tiếng đấy.
Trò chơi này không chỉ mang lại những tiếng cười giòn tan, mà còn kích thích các chức năng não bộ của con hoạt động mạnh mẽ hơn.
Cha mẹ có thể chơi với con bằng cách lấy một chiếc hộp rỗng và hướng dẫn trẻ cách bỏ đồ vào bên trong và lấy ra. Bạn cũng có thể dạy con cách sắp xếp các đồ vật hằng ngày bé thấy như thìa, cốc... hoặc sử dụng các hộp nhỏ hay vật dụng trong nhà có hình khối cơ bản cho bé tùy ý sắp xếp.
Ở giai đoạn này, đa số các kỹ năng vận động tinh của trẻ chỉ mới bắt đầu được cải thiện. Do đó, các trò chơi liên quan đến việc xếp, lấy và di chuyển đồ chơi là một cách để giúp con phát triển kỹ năng vận động tinh tốt hơn.
Cách chơi với trẻ sơ sinh này nên chơi khi con đã đứng vững. Phụ huynh có thể đặt một món đồ vặt nhỏ và nhẹ lên đầu bé, khuyến khích bé vừa giữ đồ vật vừa đi. Để cổ vũ tinh thần của con, bạn có thể đặt một món đồ chơi yêu thích của trẻ ở phía xa và cổ vũ con tiến đến lấy lại.
Việc cho bé rèn luyện khả năng thăng bằng sẽ giúp con thích nghi với môi trường xung quanh và phát triển hoàn thiện tuyến tiền đình. Đồng thời, còn hỗ trợ tăng khả năng tập trung cho trẻ.
Cha mẹ có thể sử dụng những từ đơn giản và đọc chậm rãi cho con nghe để trẻ tập ghi nhớ. Các trò chơi liên quan đến các chuyển động và từ ghép vần, lặp đi lặp lại rất tốt cho việc xây dựng kỹ năng ngôn ngữ và cải thiện trí nhớ của bé.
Biết cách chơi với trẻ sơ sinh sẽ mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho con. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và hỗ trợ con phát triển tốt nhất, cha mẹ nên lưu ý:
• Phối hợp nhiều trò chơi phù hợp với lứa tuổi của con.
• Dịu dàng với trẻ và tỏ ra vui thích khi cùng bé chơi đùa.
• Cho bé chơi các trò chơi có cấu trúc.
• Đọc, hát và nói chuyện với bé để có sự kết nối nhiều hơn.
Trên đây những cách chơi với trẻ sơ sinh giúp cha mẹ có thêm nhiều kiến thức hữu ích trong việc nuôi dạy con. Để trẻ phát triển toàn diện về thể chất lẫn trí não, chỉ qua các hoạt động tương tác, vui chơi cùng con thôi là chưa đủ, cha mẹ cần tăng cường bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho trẻ, nhất là trong những năm đầu đời.