Nhảy đến nội dung
trẻ sơ sinh khóc dạ đề

Trẻ sơ sinh khóc dạ đề, khóc thét từng cơn do đâu và cách xử trí?

Trẻ khóc dạ đề (hội chứng Colic) là hiện tượng trẻ khóc nhiều giờ và khóc thét từng cơn, chủ yếu xuất hiện vào buổi chiều, tối hoặc ban đêm.

1. Thế nào là khóc dạ đề ở trẻ sơ sinh?

Khóc dạ đề (hội chứng Colic - đau bụng co thắt ở trẻ sơ sinh) là hiện tượng trẻ sơ sinh khóc trong nhiều giờ và khóc thét từng cơn. Thời điểm xảy ra chủ yếu vào buổi chiều, tối hoặc ban đêm trong giai đoạn từ 2 - 3 tuần đến 3 tháng tuổi và lặp đi lặp lại nhiều lần.

Phân biệt khóc dạ đề và khóc bệnh lý 

Trước hết, cha mẹ phải hiểu rằng khóc dạ đề không phải là bệnh lý. Đây chỉ là một thuật ngữ chung về việc trẻ khóc quá nhiều vì khó chịu hoặc chưa thích nghi với môi trường sống bên ngoài. Lúc này, ngoài quấy khóc thì không có thêm dấu hiệu khác, trẻ vẫn phát triển bình thường, ban ngày ngoan, ăn và ngủ tốt. 

Trong khi đó, khóc bệnh lý có thể đi kèm triệu chứng bất thường tùy vào tình trạng bệnh. Ví dụ, nếu trẻ mắc bệnh lồng ruột thì bên cạnh khóc nhiều, trẻ còn có triệu chứng nôn, ưỡn người, đi ngoài ra máu. Hoặc, bệnh nhiễm trùng không chỉ khiến trẻ sơ sinh khóc thét từng cơn, mà còn gây ra sốt, phát ban, tiêu chảy, nôn ói. 

Như vậy, trẻ có thể khóc vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Cha mẹ nên nắm rõ điều này để thấu hiểu con qua tiếng khóc, từ đó áp dụng cách xử lý phù hợp.

2. Dấu hiệu trẻ sơ sinh khóc dạ đề

Các trẻ khóc dạ đề thường có các biểu hiện như: 

  • Trẻ khóc dữ dội, tiếng khóc the thé từng cơn.
  • Trẻ có khuynh hướng khóc vào một thời điểm nhất định trong ngày.
  • Khi khóc, mặt và toàn thân của trẻ ửng đỏ. Đồng thời, hai tay nắm chặt, bụng căng cứng, đầu gối co lên và cong lưng. 
  • Trẻ khóc dai, khó xoa dịu và dỗ nín. 
  • Trẻ có thể khóc dạ đề ít nhất 3 giờ một ngày, tần suất 3 ngày một tuần và kéo dài ít nhất 3 tuần liên tiếp. 
trẻ sơ sinh khóc dạ đề do đâu

 

3. Trẻ khóc dạ đề, khóc thét từng cơn do đâu?

Dưới đây là 8 nguyên nhân gây ra tình trạng khóc dạ đề ở trẻ:  

3.1. Do tâm lý của mẹ khi mang thai 

Khi mang thai, nếu mẹ lo lắng, căng thẳng thường xuyên có thể ảnh hưởng đến thể chất, cũng như tâm lý của trẻ sau khi chào đời. Điển hình là trẻ khóc the thé từng cơn, liên tục như vậy vào mỗi đêm. 

3.2. Trẻ dị ứng hoặc nhạy cảm với thực phẩm trong sữa mẹ

Khi nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ, chế độ ăn uống mỗi ngày của mẹ có tác động rất lớn đến nguồn sữa. Nếu khẩu phần ăn không khoa học, nhiều thực phẩm dầu mỡ, cay nóng, trứng và bắp cải, có thể ảnh hưởng đến chất lượng nguồn sữa. Từ đó, gây ra phản ứng tiêu cực với hệ tiêu hóa yếu ớt của trẻ, khiến trẻ khó chịu và khóc dạ đề.

Ngoài ra, trẻ uống sữa công thức có đạm sữa khó tiêu, phân tử đạm lớn cũng là nguyên nhân làm cho con quấy khóc. Do đó, cha mẹ cần tìm hiểu kỹ lưỡng khi chọn bất kỳ loại sữa công thức nào cho trẻ.

3.3. Trẻ sơ sinh khóc dạ đề vì quá đói hoặc quá no

Trẻ có thể quấy khóc do bú chưa đủ no vì giai đoạn sơ sinh, trẻ phải được cho bú liên tục. Mẹ nên kiểm tra bằng cách cho con bú để xem trẻ có nín hay không. Ngược lại, nếu mẹ ép trẻ uống sữa quá no cũng làm cho trẻ bị đầy hơi, khó chịu và quấy khóc.

3.4. Do trẻ đầy hơi, chướng bụng

Đây cũng là nguyên nhân phổ biến gây ra khóc dạ đề ở trẻ. Theo đó, do hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn thiện nên cơ thể trẻ khó dung nạp dưỡng chất trong sữa mẹ hoặc sữa công thức. Từ đó, gây ra tình trạng đầy hơi, đau và chướng bụng khó chịu.

3.5. Do có những tác động mạnh

Khi mẹ có động tác mạnh như lay người hoặc ôm con xoay tròn, điều này có thể vô tình khiến trẻ mệt, đau và quấy khóc.

3.5. Đau bụng

Đau bụng cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng trẻ sơ sinh khóc dạ đề. Nguyên nhân có thể là do hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện nên khó dung nạp một số chất trong sữa mẹ hoặc sữa công thức. Từ đó gây ra các cơn đau bụng khó chịu. 

> Xem thêm: Trẻ đau bụng về đêm do đâu, xử lý như thế nào?

3.6. Tã hoặc quần áo trẻ đang mặc quá chật

Tã mặc lâu không được thay có thể gây ra kích ứng da cho trẻ, khiến trẻ khó chịu và khóc. Tương tự, cho con mặc quần áo quá chật hoặc chất vải quá cứng sẽ gây đau, làm xước da, cũng như khiến trẻ sơ sinh khóc thét từng cơn.

trẻ em khóc dạ đề

 

3.7. Trẻ bị đau

Trẻ có thể khóc trong trường hợp đau do loét miệng, đau tai hoặc dị ứng do mặc tã thô. Cha mẹ cũng phải phân biệt với khóc do sốt, tiêu chảy và nôn ói, bằng cách kiểm tra thân nhiệt của con. Nếu trẻ có sốt và khóc liên tục, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để kịp thời điều trị. 

3.8. Ngủ không tròn giấc

Giấc ngủ rất quan trọng với trẻ sơ sinh. Trẻ được ngủ ngon và đủ giấc sẽ vui vẻ, thoải mái; ngược lại thì trẻ dễ bực bội, khó chịu và quấy khóc. Bố mẹ cần đảm bảo cho con ngủ ở nơi thoáng mát, giường ngủ êm ái, không gian tối và yên tĩnh để trẻ không bị giật mình và ngủ được tròn giấc.

4. Hiện tượng khóc dạ đề ở trẻ sơ sinh bao lâu thì hết?

Hội chứng khóc dạ đề không kéo dài lâu ở trẻ mà thường biến mất khi trẻ được 3 hoặc 4 tháng tuổi. Lúc này, cơn khóc sẽ ngưng một cách đột ngột hoặc xen lẫn vào những ngày trẻ quấy khóc và những ngày trẻ ngoan ngoãn, cho đến khi tất cả dấu hiệu hoàn toàn biến mất. Nếu sau thời gian này, trẻ vẫn khóc thét liên tục từng đêm thì tốt nhất là cha mẹ nên đưa con đi khám với bác sĩ. 

5. Hậu quả khi trẻ sơ sinh khóc dạ đề kéo dài

Nhìn chung, khóc dạ đề không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ. Chỉ là trẻ khóc nhiều hơn và nếu con vẫn ăn, ngủ bình thường thì điều này không có gì đáng lo ngại. 

Tuy nhiên, việc trẻ khóc liên tục mỗi đêm có thể gây ra căng thẳng cho người mẹ. Cụ thể là mẹ thường cảm giác tội lỗi, kiệt sức, không làm được gì cho con hoặc giận dữ. Từ đó, tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh hoặc mẹ có thể ngưng cho con bú sớm. 

trẻ sơ sinh khóc dạ đề kéo dài

 

6. Trẻ khóc dạ đề phải làm sao để xoa dịu?

Tham khảo và áp dụng các cách dưới đây có thể hỗ trợ cải thiện hội chứng khóc dạ đề ở trẻ sơ sinh:

6.1. Nhẹ nhàng vỗ về 

Khi con quấy khóc, bố mẹ đừng la mắng mà hãy vỗ về trẻ một cách thật nhẹ nhàng như: 

  • Ôm con trong vòng tay hoặc ôm vào lòng để trẻ cảm nhận được hơi ấm của mẹ, cảm thấy an toàn và nín khóc.
  • Mẹ cũng có thể xoa bóp nhẹ nhàng lưng hoặc toàn thân để trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.
  • Đưa con trong xích đu dành cho trẻ sơ sinh.
  • Hát ru hoặc cho con nghe những giai điệu dịu êm.

6.2. Tuyệt đối không rung lắc trẻ

Hành động dỗ trẻ bằng cách rung lắc người rất có hại. Cổ của trẻ sơ sinh chưa cứng để cố định được đầu, vì vậy thực hiện rung lắc có thể khiến phần đầu di chuyển ra trước hoặc ra sau đột ngột, gây tổn thương não và để lại di chứng lâu dài.

6.3. Cho trẻ ngậm núm vú giả

Theo kinh nghiệm của nhiều mẹ, khi trẻ sơ sinh khóc dạ đề hãy cho con ngậm núm vú giả. Đây là cách trấn an và xoa dịu trẻ hiệu quả. Tuy nhiên, cha mẹ cần chú ý vệ sinh núm vú sạch sẽ trước khi cho con ngậm để đảm bảo an toàn cho trẻ.

6.4. Massage cho trẻ

Massage giúp thư giãn cơ bắp, giảm đầy hơi, khó tiêu và giúp trẻ ngủ ngon hơn. Đồng thời, massage tăng cường sự kết nối giữa mẹ và con, làm cho trẻ cảm thấy an tâm và nhờ vậy, trẻ không còn khóc dạ đề.

cách xoa dịu trẻ sơ sinh khóc dạ đề

 

6.5. Địu con là cách chữa khóc dạ đề ở trẻ sơ sinh 

Nếu mẹ không biết trẻ khóc dạ đề phải làm sao thì hãy tham khảo cách này. Theo đó, trẻ có thể nín khóc và cảm thấy dễ chịu nếu được địu trên tay hoặc trước ngực bằng địu vải.

6.6. Thay đổi môi trường

Thay đổi môi trường để xoa dịu trẻ khóc dạ đề là một biện pháp hiệu quả. Cha mẹ bế trẻ đi dạo, cho trẻ tắm nước ấm, quấn trẻ trong một tấm vải mềm hoặc đặt trẻ nằm gần một chiếc máy phát ra tiếng động để thu hút, làm trẻ quên đi việc khóc. 

Lưu ý: Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu muốn điều chỉnh chế độ ăn hoặc sử dụng thuốc, thảo dược. Tránh tự ý thay đổi và tùy tiện dùng có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ.

7. Khi nào nên đưa trẻ sơ sinh khóc dạ đề đến gặp bác sĩ?

Nếu trẻ khóc dạ đề có kèm dấu hiệu sau đây, phụ huynh nên đưa con đi khám với bác sĩ càng sớm càng tốt:

  • Trẻ sốt cao, trên 38 độ C.
  • Kém tỉnh táo hoặc kém hoạt động hơn bình thường.
  • Trẻ bú ít hoặc bỏ bú.
  • Đi ngoài phân lỏng hoặc có máu.
  • Sụt cân hoặc không tăng cân.
  • La hét, giãy giụa bất kể bố mẹ làm gì.

Trẻ sơ sinh khóc dạ đề, khóc thét từng cơn có thể là con muốn được cha mẹ âu yếm nhưng đôi khi, đây cũng là dấu hiệu của rối loạn tiêu hóa, đau bụng. Vì vậy, các bậc phụ huynh phải theo dõi sát sao các biểu hiện của con để có cách xử lý kịp thời.

 

Trang này có hữu ích không?

Friso cám ơn những phản hồi của mẹ
Friso cám ơn những phản hồi của mẹ
thực phẩm tăng sức đề kháng cho trẻ

20 thực phẩm tăng sức đề kháng cho trẻ hiệu quả nên bổ sung

Trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc phải các bệnh vặt do cơ chế miễn dịch còn khá non nớt và chưa thực sự hoàn thiện. Cách tốt nhất để tăng cường đề kháng, bảo vệ con trước các tác nhân gây hại và duy trì cơ thể khỏe mạnh đó là xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, đầy đủ dưỡng chất. Trong bài viết dưới đây, Friso sẽ gợi ý cho mẹ 20 thực phẩm tăng cường sức đề kháng cho trẻ hiệu quả, không thể bỏ qua!