Nhảy đến nội dung
sự phát triển của trẻ 18 tháng tuổi

Sự phát triển của trẻ 18 tháng tuổi và cách chăm sóc con tốt nhất

Hiện tại em bé của mẹ đã 18 tháng tuổi. Con tràn đầy năng lượng, hiếu động và đạt nhiều cột mốc phát triển đáng tự hào như biết đi, biết chạy, tự uống nước bằng ly, nhớ và gọi tên đồ vật xung quanh. Ngoài ra, khi chạm mốc 18 tháng, con còn có thể làm gì thêm nữa? Cha mẹ hãy tiếp tục tham khảo bài viết dưới đây để khám phá sự phát triển của trẻ 18 tháng tuổi và cách chăm sóc con tốt nhất!

1. Trẻ 18 tháng tuổi cân nặng bao nhiêu? Chiều cao bao nhiêu?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khi được 18 tháng tuổi thì bé trai có cân nặng trung bình khoảng 10,9 kg, chiều cao khoảng 82,3cm. Đối với bé gái thì cân nặng khoảng 10,6kg và chiều cao trung bình khoảng 80,7cm. 

Tham khảo: Bảng chiều cao - cân nặng trung bình của trẻ sơ sinh

2. Khám phá sự phát triển của trẻ 18 tháng tuổi 

Bước vào giai đoạn 18 tháng tuổi, em bé của mẹ đạt cột mốc phát triển quan trọng như sau:

2.1. Các mốc phát triển thể chất, kỹ năng vận động

Bước vào giai đoạn 18 tháng, trẻ đã biết cách mặc và cởi quần áo mà không cần hỗ trợ từ cha mẹ. Trong bữa cơm gia đình, trẻ còn có thể tự bốc thức ăn đút cho bản thân hoặc cầm ly nước lên và bắt chước uống nước giống như người lớn. 

Mẹ cũng ngạc nhiên hơn khi trẻ đã tự đi lại một mình, thậm chí là chạy hoặc leo lên cầu thang để khám phá mọi thứ. Mặc dù con hiếu động, nghịch ngợm là bản năng nhưng cha mẹ hãy thường xuyên quan sát, trợ giúp và đảm bảo an toàn cho con nhé!

sự phát triển của trẻ 18 tháng tuổi

2.2. Các mốc phát triển ngôn ngữ 

Nếu phụ huynh thắc mắc trẻ 18 tháng biết nói những gì thì Friso bật mí là trẻ đã nói được “ba ba” hoặc “ma ma” đấy. Ngoài ra, trẻ cũng biết được 10 - 20 từ cơ bản để bộc lộ suy nghĩ và cảm xúc trong giao tiếp. Chẳng hạn như, khi trẻ không muốn hoặc không thích một thứ nào đó, trẻ có thể nói “không” và lắc đầu để từ chối. Hoặc, khi người quen nói “xin chào” thì trẻ đã biết đáp lại, thậm chí là chào hỏi một cách nhiệt tình hơn.

Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ 18 tháng không dừng lại ở đó. Đôi khi, cha mẹ thấy được trẻ rất thích bắt chước lời nói của người lớn. Đây cũng là một bản năng tự nhiên để phát triển kỹ năng giao tiếp ở trẻ. Chắc chắn trong nhiều tình huống ngày thường, mẹ sẽ luôn bật cười vì sự đáng yêu, dí dỏm này của con. 

Trẻ 18 tháng tuổi chưa biết nói có sao không?

Nhiều phụ huynh cho rằng, trẻ 18 tháng chưa biết nói thì không cần phải lo lắng vì nếu là chậm nói đơn thuần, đến 2 - 3 tuổi trẻ có thể nói được. Theo chuyên gia, điều này là đúng trong một vài trường hợp, tuy nhiên nếu không nói được thì trẻ rất thiệt thòi trong việc tiếp thu, cũng như phát triển nhận thức và tư duy kém. Ngoài ra, chậm nói khiến trẻ khó bộc lộ cảm xúc của bản thân, từ đó dễ dẫn đến cảm giác bực bội, khó chịu. 

Vì vậy, khi phát hiện trẻ 18 tháng chưa biết nói, cha mẹ nên đưa con đi khám để tìm hiểu nguyên nhân và có giải pháp can thiệp kịp thời. Mặt khác, trong sinh hoạt hằng ngày, phụ huynh hãy trò chuyện với con thường xuyên, cho bé nhìn thấy khẩu hình miệng khi đang nói và đặc biệt là khuyến khích con tập nói như khuyến khích tập đi. Như vậy, mới cải thiện vấn đề chậm nói và thuận lợi cho con trong việc giao tiếp sau này.

Thông tin thêm: Khi nào trẻ bắt đầu tập nói?

2.3. Các mốc phát triển nhận thức

Khi tìm hiểu trẻ 18 tháng tuổi biết làm gì, mẹ có thể ngạc nhiên vì lúc này, trẻ đã phát triển nhận thức rất tốt. Điển hình là con hiểu và làm theo yêu cầu đơn giản của cha mẹ như ngồi, vẫy tay, hôn gió; nhận biết công dụng của đồ vật thông thường (bàn chải, thìa, ghế) hoặc thích chơi đóng kịch với gấu bông và búp bê. 

Ngoài ra, trẻ cũng biết bắt chước hành động phức tạp như quét nhà, lau nhà và thái rau. Khi mẹ đưa cho con bút chì, trẻ còn thể hiện “năng khiếu” nghệ thuật bằng cách vẽ nguệch ngoạc trên giấy. Mặc dù chưa thể tạo ra hình vẽ ý nghĩa nhưng điều này đã có thể kích thích tư duy và tính sáng tạo cho con. Nếu được, mẹ hãy tham gia cùng trẻ để giúp con phát triển kỹ năng này tốt hơn.

sự phát triển của trẻ ở giai đoạn 18 tháng tuổi

2.4. Các mốc phát triển cảm xúc và xã hội của trẻ

Ở giai đoạn 18 tháng tuổi, trẻ đã biết thể hiện cảm xúc trong vô vàn tình huống khác nhau. Chẳng hạn khi gặp người lạ, trẻ có thể tỏ ra lo lắng, sợ hãi và quấy khóc nhưng nếu đó là người thân thì ngay lập tức, trẻ bày tỏ tình cảm thông qua nụ cười, cái ôm hoặc cái hôn ngọt ngào. 

Ngoài ra, nhiều trẻ đã bắt đầu thể hiện cảm xúc tiêu cực như khó chịu, không hài lòng hoặc giận dỗi đến khi đạt được mọi thứ mong muốn. Vì vậy, vai trò của cha mẹ ở thời điểm này vô cùng quan trọng. Không chỉ dạy con một cách nhẹ nhàng, yêu thương mà còn phải cứng rắn ngay từ đầu để trẻ khôn lớn ngoan ngoãn và nghe lời.

Bài viết liên quan:

3. Cách chăm sóc trẻ 18 tháng tuổi tốt nhất

Ngoài quan tâm sự phát triển của trẻ 18 tháng tuổi, phụ huynh cũng phải lưu ý một số vấn đề sau đây để chăm sóc con tốt hơn: 

3.1. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ 18 tháng 

Sau đây là một số câu hỏi thường gặp liên quan đến chế độ ăn của em bé 18 tháng:

- Trẻ 18 tháng tuổi nên ăn gì?

Đối với bữa ăn hàng ngày, trẻ phải được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng như chất đạm, chất béo, tinh bột, chất xơ, vitamin và khoáng chất theo tỷ lệ hợp lý, cụ thể:

Chất đạm

Hỗ trợ điều hòa hoạt động cơ thể, cung cấp năng lượng và phát triển thể chất ở trẻ. Mẹ nên cho trẻ hấp thu 4 - 4,5g chất đạm/ngày từ các loại thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa đậu nành, các loại đậu và ngũ cốc (Xem chi tiết).

Chất béo

Bổ sung các loại acid béo giúp trẻ phát triển hệ thần kinh não bộ, đồng thời hấp thu tốt vitamin tan trong dầu như A, D, E, K. Trẻ 18 tháng phải được bổ sung 3 - 4 g chất béo trong một ngày từ các loại dầu thực vật hoặc bơ thực vật.

Xem ngay: Các loại thực phẩm tốt cho não bộ, tăng trí thông minh cho trẻ

Tinh bột

Kích thích quá trình chuyển hóa dinh dưỡng, giúp trẻ tăng cân đều đặn. So với chất đạm, nhu cầu tinh bột ở trẻ 18 tháng cao hơn gấp 3 - 4 lần, khoảng 10 - 12g/ngày từ các loại thực phẩm như hoa quả, rau củ, sữa, phở, mì, bún, nui.

Chất xơ

Mỗi ngày, mẹ nên cho trẻ ăn ½ chén trái cây và ½ chén rau củ. Song song đó, trẻ có thể uống 120 - 180 ml nước ép hoa quả mỗi ngày để bổ sung chất xơ, tăng cường hoạt động tiêu hóa.

Vitamin

Nhiều mẹ thắc mắc trẻ 18 tháng cần bổ sung vitamin gì thì đáp án chính là vitamin A, B, C, D, E, K với công dụng tăng cường miễn dịch, đảm bảo trẻ được khôn lớn khỏe mạnh. Đa phần các loại vitamin này xuất hiện trong hầu hết thực phẩm, nhưng để bổ sung đúng và đủ cho trẻ, khuyến khích mẹ nên tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng.

Khoáng chất

Tương tự vitamin, các loại khoáng chất có nhiều trong thức ăn hàng ngày nên mẹ hãy cho con ăn đa dạng thực phẩm để duy trì hoạt động sống, thúc đẩy phát triển xương - răng và hỗ trợ chức năng thần kinh.

sự phát triển của trẻ giai đoạn 18 tháng tuổi

- Trẻ 18 tháng tuổi đã ăn cơm được chưa?

Theo chuyên gia, trẻ em ở độ tuổi này đã có thể tập cho ăn cơm nát hoặc cơm nhão để cải thiện kỹ năng nhai tốt hơn. Nhờ đó, trẻ cũng được ăn uống thuận lợi, tránh tình trạng biếng ăn vì cơ hàm phát triển kém. 

- Trẻ 18 tháng tuổi uống bao nhiêu ml sữa một ngày?

Mẹ nên cho con uống 550 - 750 ml sữa mỗi ngày, chia ra 3 cữ và dùng kèm với bữa ăn chính để trẻ hấp thu đủ chất, được tăng trưởng ổn định. 

Trẻ 18 tháng biếng ăn do đâu và cách khắc phục hiệu quả?

Trẻ 18 tháng tuổi bị chán ăn là do ảnh hưởng của quá trình mọc răng, đầy bụng, táo bón, khó tiêu; thói quen ăn uống không khoa học (cho trẻ ăn vặt trước bữa chính, ăn rong, vừa ăn vừa xem tivi) hoặc có thể là do trẻ đã biết đi, biết chạy nên thích khám phá và ham chơi nhiều hơn. Để khắc phục tình trạng này, cha mẹ nên thay đổi chế độ ăn của con. 

Cụ thể, hãy tuân theo nguyên tắc cho trẻ ăn ít nhưng nhiều bữa; đa dạng thực đơn và giới hạn thời gian, để trẻ tập trung dùng bữa thay vì bị chi phối từ các yếu tố khác. Trường hợp trẻ biếng ăn là do mọc răng, mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có biện pháp giảm đau an toàn cho con. Nếu trẻ bị tiêu hóa kém, hãy bổ sung sữa chua, sữa và trái cây vào bữa phụ để cải thiện tiêu hóa tốt hơn, kích thích trẻ thèm ăn và ăn ngon, ăn khỏe.  

3.2. Chăm sóc giấc ngủ của trẻ

Trẻ 18 tháng tuổi phải được ngủ từ 11 đến 12 giờ vào ban đêm, cùng với giấc ngủ ngắn từ 1,5 đến 3 giờ vào ban ngày. Cha mẹ có thể áp dụng một số biện pháp như tắm, thay tã, kể chuyện và cho con nghe nhạc để trẻ chìm vào giấc ngủ ngon hơn. Tuyệt đối không quát mắng hay ép buộc trẻ phải ngủ vì điều này khiến con căng thẳng và càng khó chấp nhận đi ngủ. 

Không gian nghỉ ngơi của trẻ cũng phải đảm bảo mát mẻ, có ánh sáng mờ và ít tiếng động nhất có thể. Trường hợp trẻ giật mình quấy khóc vào ban đêm vì một lý do nào đó, mẹ nên âu yếm và dỗ dành để trẻ cảm thấy an tâm, nhanh chóng trở lại giấc ngủ.

3.3. Tập cho con ngồi bô

Ở độ tuổi 18 tháng, phụ huynh nên tập cho con ngồi bô, để trẻ rèn luyện kỹ năng vệ sinh và giảm phụ thuộc vào cha mẹ. Cụ thể, hãy giải thích cho con ý nghĩa, cách sử dụng bô như thế nào trước tiên, sau đó khuyến khích con ngồi vào bô 5 phút/lần, lặp lại 3 - 4 lần/ngày đến khi trẻ quen với điều này là được. 

Cần chú ý, khi tập cho con dùng bô, mẹ nên sử dụng từ ngữ thoải mái và quen thuộc để mô tả những gì đang diễn ra, ví dụ như “đi tiểu nè” hoặc “đi ị nhé”. Đồng thời, phụ huynh cũng phải ở bên cạnh trẻ vào những lần dùng bô đầu tiên, mỉm cười, khích lệ và khen ngợi để trẻ cảm thấy thoải mái hơn nhé!

3.4. Chăm sóc răng miệng của trẻ

Sự phát triển của trẻ 18 tháng tuổi còn có cột mốc quan trọng là mọc răng. Theo đó, trẻ đã mọc gần 20 chiếc răng sữa, chia đều cho hàm trên và hàm dưới ở giai đoạn này. 

Khi các chiếc răng xuất hiện thì có thể làm cho trẻ sốt, đau nướu, khó chịu, quấy khóc thường xuyên. Vì vậy, những gì phụ huynh cần làm, đó là áp dụng biện pháp giảm đau an toàn cho con, đồng thời chú ý vệ sinh, chải răng của trẻ 2 lần/ngày để bảo vệ sức khỏe răng miệng. 

sự phát triển của trẻ vào giai đoạn 18 tháng tuổi

3.5. Đưa trẻ đi khám và tiêm phòng định kỳ

Phụ huynh đừng bỏ lỡ bất kỳ ngày kiểm tra tổng quát định kỳ của con. Mục đích là để bác sĩ đánh giá sức khỏe, sớm phát hiện dấu hiệu bất thường trong quá trình phát triển. Thêm vào đó, trẻ cũng phải tiêm vắc xin viêm gan B, bại liệt, ho gà, bạch hầu hoặc uốn ván để cơ thể có miễn dịch đặc hiệu, tránh nguy cơ mắc phải các bệnh lý này.

4. Bí quyết giúp trẻ 18 tháng tuổi phát triển toàn diện 

Dưới đây là một số bí quyết giúp trẻ 18 tháng phát triển tốt hơn: 

Đọc sách cùng trẻ

Phụ huynh hãy đọc sách cùng con, nhất là sách có nhiều hình ảnh ngộ nghĩnh, màu sắc bắt mắt để kích thích thị giác và trí tưởng tượng của trẻ. 

Cho trẻ tiếp xúc với âm nhạc

Âm nhạc giúp trẻ phát triển trí não, khả năng ghi nhớ và sáng tạo hiệu quả. Mẹ có thể lựa chọn các loại nhạc êm dịu, vui tươi như nhạc cổ điển, nhạc không lời hoặc nhiều bài hát ru, giúp trẻ vừa ngủ ngon, vừa tăng cường tư duy .

Giao tiếp với trẻ thường xuyên

Khi cha mẹ trò chuyện với con thường xuyên, điều này giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và có thể biết nói nhanh chóng. Ngoài ra, mẹ nên dạy con cách mô tả đồ vật chi tiết, chẳng hạn như cái ghế lớn, cái ghế đỏ hoặc cái ghế lớn màu đỏ (thay vì chỉ là cái ghế) để mở rộng vốn từ ở trẻ. 

Cho trẻ thực hành kỹ năng hằng ngày

Mẹ nên dạy trẻ tự ăn bằng thìa, tự uống nước bằng ly và tự mặc quần áo để vừa phát triển kỹ năng vận động, vừa rèn luyện tính tự lập.

Đưa trẻ ra ngoài trời

Ra ngoài và đi dạo với cha mẹ cho phép trẻ khám phá thế giới, cũng như nâng cao nhận thức về mọi thứ xung quanh. Tuy nhiên, phụ huynh phải chú ý chống nắng, mặc quần áo bảo vệ cho trẻ để ngăn ngừa tác hại của tia cực tím nhé!

Mở rộng vòng tròn giao tiếp của trẻ

Cha mẹ hãy cho con vui chơi cùng với các bạn đồng trang lứa, như vậy có thể giúp trẻ phát triển tinh thần và kỹ năng xã hội tốt hơn.

Tin xem nhiều: Các hoạt động giúp trẻ phát triển kỹ năng sống từ khi ra đời

sự phát triển của trẻ 18 tháng tuổi

5. Khi nào đưa trẻ 18 tháng tuổi đi khám với bác sĩ?

Nếu nhận thấy trẻ gặp phải dấu hiệu bất thường dưới đây, cha mẹ nên đưa con đi khám, để bác sĩ chẩn đoán và đề xuất cách can thiệp kịp thời:

   • Gặp khó khăn khi nhìn hoặc nghe mọi thứ.

   • Không thể nói được bất cứ từ nào. 

   • Không chỉ, vẫy tay hoặc thực hiện cử chỉ khác. 

   • Không thích giao tiếp bằng mắt hoặc ôm ấp cha mẹ.

   • Không tự bước đi một mình mà cần hỗ trợ từ phụ huynh. 

   • Sử dụng một tay nhiều hơn tay kia. 

   • Không để ý khi cha mẹ rời đi hoặc trở về.

Trên đây là toàn bộ sự phát triển của trẻ 18 tháng tuổi sau sinh. Cha mẹ hãy tham khảo để nắm rõ trẻ khôn lớn như thế nào và cách chăm sóc con tốt nhất. Trường hợp trẻ 18 tháng chưa biết nói, chưa biết đi hoặc chưa làm được các việc đơn giản thì phụ huynh nên đưa con đi gặp bác sĩ để tìm kiếm nguyên nhân trẻ chậm phát triển, từ đó kịp thời điều trị giúp con tăng trưởng ổn định. 

Trang này có hữu ích không?

Friso cám ơn những phản hồi của mẹ
Friso cám ơn những phản hồi của mẹ
trẻ sơ sinh bị sôi bụng có sao không

Trẻ bị sôi bụng có sao không? Nguyên nhân và cách khắc phục

Trẻ bị sôi bụng có sao không? Đây có thể là tình trạng bình thường. Tuy nhiên, nếu bụng trẻ bị sôi kèm theo một số dấu hiệu thì mẹ nên đưa trẻ đi thăm khám.