Nhảy đến nội dung
trẻ biếng ăn phải làm sao

Trẻ biếng ăn: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách giải quyết

Trẻ bị biếng ăn khiến không ít phụ huynh lo lắng bởi về lâu dài có thể làm cho trẻ còi cọc, chậm lớn. Vậy do đâu mà trẻ tự nhiên biếng ăn và làm sao để khắc phục? Mời bố mẹ cùng đi tìm lời giải đáp trong bài viết sau.

1. Biếng ăn ở trẻ là gì?

Biếng ăn là tình trạng trẻ không chịu ăn, giảm hoặc mất cảm giác thèm ăn. Đồng thời, trẻ không vui vẻ, “tự nguyện” khi ăn, mà cần có người lớn đốc thúc như dỗ dành, năn nỉ, thậm chí là quát mắng. 

Có 3 dạng biếng ăn thường gặp ở trẻ:

  • Biếng ăn sinh lý: Xảy ra khi trẻ đang trong giai đoạn thay đổi về thể chất như tập đi, tập bò, tập nói, mọc răng và chỉ kéo dài từ 1 - 2 tuần.
  • Biếng ăn tâm lý: Đây là dạng biếng ăn xuất hiện do cách chăm sóc của phụ huynh không phù hợp, tác động tiêu cực đến tâm lý của trẻ như la mắng, ép buộc.
  • Biếng ăn bệnh lý: Đây là dạng biếng ăn có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, xảy ra khi trẻ mắc một số bệnh lý liên quan hô hấp và tiêu hóa như viêm phổi, đau họng, khó tiêu, đầy hơi…
trẻ biếng ăn phải làm sao

 

2. Dấu hiệu trẻ biếng ăn

Trẻ biếng ăn lâu ngày dễ gặp phải tình trạng thiếu chất, chậm tăng trưởng. Do đó, cha mẹ nên có cách khắc phục càng sớm càng tốt, khi phát hiện dấu hiệu trẻ lười ăn dưới đây:

  • Trẻ biếng ăn hay quấy khóc là một trong những biểu hiện thường gặp nhất. Lúc này, khi nhìn thấy mẹ dọn thức ăn ra, trẻ có thể chạy trốn hoặc quấy rối để né tránh việc ăn uống.
  • Buồn nôn khi ngửi mùi, nhìn thấy thức ăn hoặc nôn khi ăn.
  • Trẻ ăn ít hơn so với các bữa bình thường.
  • Ngậm thức ăn trong miệng lâu, không chịu nhai hay nuốt, khiến thời gian mỗi bữa ăn kéo dài trên 30 phút hoặc thậm chí hàng giờ.
  • Chỉ ăn một vài loại thức ăn, lười tiếp nhận những món mới.
  • 3 tháng liên tục không tăng cân cũng là một dấu hiệu cho thấy trẻ bị biếng ăn.

3. Tìm hiểu các giai đoạn biếng ăn ở trẻ 

Tình trạng biếng ăn có thể xuất hiện ở nhiều giai đoạn phát triển của trẻ, cụ thể như:

3.1. Giai đoạn mới sinh 

Nhiều trẻ mới sinh biếng bú mẹ có thể là do mẹ ít cho con bú hoặc tư thế cho bú sai, dẫn đến trẻ khó chịu. Ngoài ra, trong giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ, nếu mẹ có chế độ ăn không phù hợp thì có thể làm cho nguồn sữa có vị lạ. Đây cũng là nguyên nhân khiến trẻ từ chối, không muốn bú mẹ nữa. 


 >> Tham khảo thêm: Bé không chịu bú mẹ thì phải làm sao?


3.2. Giai đoạn từ 2 - 3 tháng tuổi 

Vào khoảng 2 tháng sau khi chào đời, trẻ có thể được tiêm các loại vaccin. Khi ấy, tác dụng phụ của vaccin làm cho trẻ mệt mỏi, khó chịu - một trong những lý do giải đáp vì sao trẻ 2 tháng tuổi biếng ăn (ít bú mẹ). 

Ngoài ra, 3 tháng tuổi là thời kỳ trẻ có dấu hiệu lẫy, lật nên thời gian này, con hay lười bú mẹ. Mẹ nên theo dõi để có giải pháp hợp lý cho vấn đề biếng ăn ở trẻ sơ sinh.

3.3. Giai đoạn từ 4 - 5 tháng tuổi

4 tháng tuổi cũng là thời điểm trẻ thành thạo động tác lật, lẫy, ngóc đầu để quan sát và khám phá mọi thứ xung quanh. Do đó, điều này làm cho trẻ ham chơi nhiều hơn và đây cũng là lý do có thể khiến trẻ 4 tháng biếng ăn. 

Đến khi được 5 tháng tuổi, trẻ bước vào giai đoạn mọc răng. Khi ấy, nướu của con bị đau, sưng, làm cho quá trình ăn uống khó chịu nên trẻ 5 tháng lười ăn cũng là do nguyên nhân này. 

3.4. Giai đoạn 6 tháng tuổi 

Bước vào giai đoạn này, trẻ đã bắt đầu bú mẹ kết hợp song song ăn dặm với các thực phẩm được nấu chín và nghiền nhỏ. Vì thức ăn thô hơn so với sữa mẹ, trẻ chưa thích nghi kịp nên đôi khi con sẽ từ chối thức ăn. Đây chính đáp án cho câu hỏi vì sao trẻ 6 tháng tuổi biếng ăn mà nhiều bố mẹ băn khoăn.

3.5. Giai đoạn 7 - 8 tháng tuổi

Bé 7 tháng biếng ăn có thể là do ảnh hưởng của quá trình mọc răng, làm cho trẻ ăn uống không thoải mái. Mặt khác, nguyên nhân vì sao trẻ 8 tháng tuổi biếng ăn chủ yếu là do trẻ đang bước vào tuần khủng hoảng nên thường xuyên quấy khóc, ít ngủ và không muốn ăn gì trong giai đoạn này.

3.6. Giai đoạn 9 tháng tuổi

Đa phần trẻ 9 tháng tuổi biếng ăn là do lúc này, trẻ đang chuyển sang ăn cháo/cơm nát thay vì ăn bột. Điều này khiến trẻ bối rối, chưa kịp thích nghi với kỹ năng nhai - nuốt các loại thức ăn mới nên thỉnh thoảng con hay bỏ bữa là vậy. 

trẻ biếng ăn phải làm thế nào

 

3.7. Giai đoạn 1 - 2 tuổi 

Mẹ có biết vì sao trẻ 1 tuổi biếng ăn? Đó là tròn 12 tháng tuổi, ngoài đạt được cột mốc mọc răng sữa, ăn cơm nát thì lúc này trẻ đã bắt đầu chập chững bước đi đầu tiên. Với kỹ năng di chuyển tốt, trẻ có thể thỏa sức tìm tòi, khám phá mọi thứ nên đôi khi, con ham chơi nhiều hơn là để ý chuyện ăn uống.

Đến giai đoạn 24 tháng tuổi - cũng là giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2 ở trẻ, nhiều phụ huynh cảm thấy đau đầu và mệt mỏi hơn. Không chỉ là do tình trạng trẻ biếng ăn, mà còn bởi trẻ hay cáu gắt, gây khó khăn cho cha mẹ trong việc nuôi dưỡng. 

3.8. Giai đoạn 4 - 6 tuổi 

Đây là thời điểm trẻ đã bắt đầu đi mẫu giáo. Lúc này, sự thay đổi môi trường sinh hoạt, chế độ ăn uống tác động lớn đến tâm lý của trẻ, dẫn đến trẻ dễ bị biếng ăn. 

tại sao trẻ biếng ăn

 

4. Nguyên nhân trẻ biếng ăn

Để có biện pháp cải thiện phù hợp, cha mẹ nên nắm rõ lý do trẻ biếng ăn. Theo đó, có nhiều nguyên nhân gây ra chứng biếng ăn ở trẻ, bao gồm:

4.1. Do thói quen xấu cha mẹ vô tình tạo ra

Nhiều trẻ bị biếng ăn là do một số thói quen xấu vô tình được tạo ra bởi bố mẹ. Ví dụ như, thời gian bữa ăn kéo dài, cho trẻ ăn vặt trước bữa chính, chiều chuộng cho trẻ ngậm thức ăn không nhai. Về lâu dài, điều này dẫn đến trẻ chỉ muốn ăn thức ăn lỏng, sợ nuốt và chán ăn các loại thực phẩm thô như cơm, rau củ, thịt, cá. 

4.2. Thức ăn không hợp khẩu vị của trẻ

Nếu cách chế biến thức ăn của mẹ không phù hợp với khẩu vị của con thì điều này có thể khiến bé biếng ăn hay ngậm, không chịu nhai hoặc nuốt. Song song đó, khi mẹ cho trẻ ăn thực phẩm con không thích hoặc chỉ nấu lặp lại một món với tần suất quá dày thì đây cũng là lý do tại sao trẻ biếng ăn, ăn không ngon miệng.

làm gì khi trẻ biếng ăn

 

4.3. Không khí bữa ăn không thoải mái

Nhiều cha mẹ lo lắng con ăn uống không đủ chất nên có xu hướng ép con ăn các loại thức ăn khác nhau, buộc trẻ phải ăn hết khẩu phần ăn, thậm chí là quát mắng mỗi lúc trẻ không muốn ăn hay ăn chậm. Điều này vô tình tạo ra bầu không khí căng thẳng cho bữa ăn, khiến trẻ sợ ăn và dẫn đến hội chứng biếng ăn.

4.4. Trẻ bị mất tập trung khi ăn

Cho con sử dụng điện thoại, máy tính bảng, xem TV hoặc chơi đồ chơi trong lúc ăn có thể khiến trẻ không tập trung vào việc ăn hoặc quên cảm giác thèm ăn. Về lâu dài, điều này làm cho trẻ lười ăn suy dinh dưỡng hơn. 

4.5. Thời điểm bữa ăn không phù hợp

Nguyên nhân trẻ biếng ăn còn xuất phát từ thời gian cho ăn không được cố định. Thêm vào đó, khi trẻ thực hiện bài tập thể dục quá sức như thể dục dụng cụ, điền kinh hoặc tham gia trò chơi hoạt động mạnh cũng có thể khiến trẻ cảm thấy chán ăn. Lúc này, nếu cố bắt ép trẻ ăn, có thể tạo ấn tượng xấu cho con trong việc ăn uống.

tại sao trẻ biếng ăn

 

4.6. Trẻ gặp vấn đề về sức khỏe

Một lý do trẻ biếng ăn nữa mà phụ huynh phải biết đó là do ảnh hưởng của bệnh lý. Theo đó, trẻ bị nhiễm giun, sán dễ suy nhược cơ thể và chán ăn. Đi cùng là tình trạng nhiễm trùng, rối loạn tiêu hóa với biểu hiện chướng bụng, khó tiêu, tiêu chảy hoặc táo bón có thể khiến trẻ mệt mỏi, không muốn ăn gì. Hoặc, nếu trẻ đang trong giai đoạn mọc răng hoặc bị sâu răng, đau nướu thì điều này khiến hoạt động nhai khó khăn, dẫn đến bé biếng ăn hay khóc quấy. 

Ngoài ra, biếng ăn ở trẻ sơ sinh và trẻ em có thể là do trẻ uống thuốc kháng sinh nhiều trong thời gian dài hoặc bổ sung vitamin A, vitamin D quá liều. 


Xem thêm: Bé uống kháng sinh bị tiêu chảy mẹ phải làm sao?


4.7. Thiếu hụt vi chất dinh dưỡng

Trẻ tự nhiên biếng ăn cũng có thể do thiếu chất dinh dưỡng. Như vậy, trẻ biếng ăn thiếu chất gì? Đáp án có thể là các nhóm vitamin B (B1, B2, B6 và B12), kẽm, sắt, selen, lysine. Đây đều là những dưỡng chất giữ vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hoá thức ăn và tăng hấp thu các chất dinh dưỡng khác cho cơ thể. Khi thiếu hụt nhóm chất này gây ra tình trạng táo bón, chướng bụng, từ đó làm cho trẻ khó chịu và dẫn đến chán ăn. 

4.8. Những thay đổi về tâm lý

Ít người biết rằng, nguyên nhân trẻ biếng ăn còn xuất phát từ yếu tố tâm lý. Theo đó, trẻ có thể trở nên chán ăn nếu đột ngột thay đổi môi trường, giờ giấc sinh hoạt hoặc người trông trẻ. Ngoài ra, khi cha mẹ ít quan tâm đến trẻ, thường xuyên để con ăn riêng một mình thì điều này cũng là lý do khiến trẻ hình thành tâm lý chán ăn, bỏ bữa để “chống lại” cha mẹ.

bé biếng ăn

 

5. Trẻ biếng ăn lâu ngày có ảnh hưởng như thế nào?

Trung bình, trẻ 12 tháng tuổi trở lên tăng khoảng 100 - 200g/tháng. Tuy nhiên, đối với trường hợp trẻ bị biếng ăn trong 2 năm đầu đời thì có nguy cơ nhẹ cân hơn gấp 3 lần so với các bạn đồng trang lứa, thậm chí có thể bị suy dinh dưỡng từ nhẹ đến nặng. 

Lúc này, sức đề kháng ở trẻ đang giảm sút nên các loại virus, vi khuẩn gây bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp (như viêm họng, viêm phổi, tiêu chảy) dễ dàng tấn công, khiến trẻ dễ mắc bệnh và càng biếng ăn hơn.

Chưa hết, khi biếng ăn, trẻ không có cơ hội hấp thu đầy đủ các vi chất cần thiết cho cơ thể. Trong đó, nếu như thiếu hụt một lượng nhỏ chất dinh dưỡng quan trọng thì điều này gây ra tác hại nghiêm trọng như: thiếu vitamin A mắt khô giác mạc; thiếu vitamin B1 bị tê phù chân tay; thiếu vitamin D, canxi gây còi xương, suy dinh dưỡng nặng; thiếu Omega 3, Omega 6, DHA, Taurine có thể ảnh hưởng đến tư duy và trí não trong suốt 5 năm phát triển về sau.

6. Trẻ bị biếng ăn phải làm sao?

Trẻ biếng ăn chậm lớn phải làm sao? Nếu mẹ đang băn khoăn điều này thì chắc chắn không thể bỏ qua những gợi ý dưới đây:

6.1. Cải thiện bệnh lý ở trẻ

Tùy vào vấn đề sức khỏe mà con đang gặp phải, cha mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có giải pháp cho bé biếng ăn phù hợp nhất, cụ thể:

  • Hãy tẩy giun định kỳ cho trẻ 6 tháng/lần để tránh tình trạng nhiễm giun sán, làm cho trẻ biếng ăn hay quấy khóc. 
  • Xây dựng chế độ ăn khoa học, ưu tiên thực phẩm tốt cho tiêu hóa của trẻ như rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, sữa chua và kết hợp uống sữa giúp tăng cường sức khỏe đường ruột, giảm thiểu rối loạn tiêu hóa ở trẻ. 
  • Chườm lạnh, cho trẻ ngậm núm vú chính là cách trị biếng ăn ở trẻ sơ sinh đang mọc răng. 

6.2. Không ép buộc trẻ ăn

Tâm lý của nhiều bậc phụ huynh là hay ép trẻ ăn khi con từ chối việc ăn uống. Điều này về lâu dài ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của con, có thể khiến trẻ có cảm giác sợ ăn. 

Đặc biệt là trẻ mới bước vào ăn dặm (6 tháng tuổi trở lên), vì con chưa kịp thích ứng với các loại thức ăn mới nên chuyện trẻ biếng ăn rất thường gặp. Vậy trẻ 6 tháng biếng ăn phải làm sao? Có cách nào cải thiện không? 

Lúc này, bố mẹ tuyệt đối không nên bắt ép trẻ ăn. Thay vào đó hãy thử cho con ăn từng phần nhỏ, chia thành nhiều cữ. Khi ăn hết từ phần nhỏ này sang phần nhỏ khác, trẻ cảm thấy vui hơn vì đã hoàn thành được cột mốc mới và từ đó hứng thú với việc ăn uống. Cha mẹ cũng đừng quên dành những lời động viên cho bé yêu nhé! 

6.3. Trẻ biếng ăn phải làm sao? Hạn chế thói quen xấu khi ăn 

Cha mẹ nên hạn chế cho con ăn rong hoặc vừa ăn vừa xem tivi, điện thoại, ipad vì điều này khiến trẻ dễ phân tâm, không tập trung vào ăn uống và dẫn đến chán ăn. Ngoài ra, phụ huynh cũng phải quy định bữa ăn chỉ nên kéo dài 30 phút, tránh cho trẻ ăn lâu, ăn chậm có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. 

6.4. Cho trẻ ăn đúng giờ

Đối với trẻ ăn dặm, một điều mẹ cần lưu ý thêm khi cải thiện biếng ăn ở trẻ là hãy thiết kế thời gian ăn uống khoa học, mỗi bữa cách nhau 4 - 5 tiếng và luôn cho trẻ ăn đúng giờ. Tránh cho trẻ ăn vặt giữa các cữ, có thể gây xáo trộn giờ ăn. Ngoài ra, để tạo cho con thói quen tự giác ngồi vào bàn ăn thì trước khi bắt đầu khoảng 10 - 15 phút, mẹ hãy thông báo cho bé là đã sắp đến giờ ăn nhé.

nguyên nhân trẻ biếng ăn

 

6.5. Xay nhỏ thức ăn 

Trong trường hợp trẻ dưới 1 tuổi biếng ăn vì chưa quen với các loại thức ăn như cháo, cơm nát thì mẹ nên xay nhỏ để trẻ thích nghi dần. Đặc biệt là trong giai đoạn mọc răng, khi xay nhuyễn thức ăn có thể giúp trẻ dễ hấp thu, tránh cơn đau khó chịu và không ảnh hưởng đến khẩu vị. Đây cũng là lời khuyên tốt nhất cho phụ huynh đang tìm hiểu bé 1 tuổi biếng ăn phải làm sao để khắc phục. 

6.6. Cách chăm sóc trẻ biếng ăn suy dinh dưỡng: Hãy đa dạng thực đơn mỗi ngày 

Từ 2 tuổi trở lên, trẻ đã nhận thức tốt hơn về các loại thức ăn nên khi chế biến, cha mẹ hãy lựa chọn đa dạng thực phẩm. Đây chính là cách xử lý cho vấn đề trẻ 2 tuổi biếng ăn phải làm sao. Bởi, một bữa ăn có nhiều món vừa đảm bảo cân đối dinh dưỡng, tránh tình trạng thiếu chất, vừa kích thích vị giác, cho trẻ ăn ngon và từ đó cảm thấy hào hứng với chuyện ăn uống. 

6.7. Trình bày món ăn đẹp mắt

Nếu mẹ không biết làm gì khi trẻ biếng ăn, hãy thử cách đơn giản nhất là trang trí món ăn sao cho sinh động, màu sắc bắt mắt với các hình thù ngộ nghĩnh. Hoặc sử dụng chén bát, dụng cụ ăn dặm, muỗng nĩa có nhiều kiểu dáng độc lạ, nhằm tạo cho bé cảm giác hào hứng hơn mỗi khi ngồi vào bàn ăn.

6.8. Tập cho trẻ thói quen như “người lớn” trong bữa ăn 

Khoảng 4 tuổi, trẻ đã có khả năng thực hiện công việc chuẩn bị cho bữa ăn. Vì thế, cha mẹ hãy cho con tham gia việc lấy bát đũa, lấy nước hoặc dọn đồ ăn ra bàn. Đồng thời, các thành viên trong gia đình nên hướng dẫn và làm cùng với trẻ để khuyến khích và động viên con. Nhờ vậy, trẻ có thể hòa nhập tốt với mọi người, giúp không khí bữa ăn thêm vui vẻ, thoải mái. 

Khi ấy, điều này còn mang lại tác động tích cực, giúp kích thích tuyến tiêu hóa hoạt động, tăng bài tiết men tiêu hóa cho trẻ ăn ngon hơn. Cách trị bé biếng ăn hữu ích này cũng là giải đáp chung vấn đề trẻ 4 tuổi biếng ăn phải làm sao. 

6.9. Chia nhỏ bữa ăn

Trẻ biếng ăn phải làm sao? Mẹ nên chia nhỏ khẩu phần ăn của bé ra thành nhiều phần và cho bé ăn từng chút một vào những khoảng thời gian cố định. Việc này vừa giúp trẻ không bị quá no, mong chờ đến bữa ăn tiếp theo, vừa hình thành thói quen ăn uống đúng giờ.

làm gì khi trẻ biếng ăn

 

6.10. Cho trẻ thường xuyên vận động cơ thể

Một giải pháp cho trẻ biếng ăn được chuyên gia chia sẻ là hãy khuyến khích con vận động hằng ngày, thông qua một số hoạt động như đi bộ, nhảy dây, đá banh. 

Theo đó, vận động giúp tiêu hao nhiều năng lượng hơn, tạo cảm giác nhanh đói và ăn uống ngon miệng, từ đó khắc phục vấn đề trẻ lười ăn suy dinh dưỡng. Song, nếu bé còn nhỏ, bạn có thể thử các động tác massage lưng, bụng để giúp tăng cường hệ miễn dịch, kích thích hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn từ đó hạn chế nguy cơ mắc bệnh.

6.11. Nên làm gì khi trẻ biếng ăn? Hạn chế cho trẻ ăn vặt

Dành cho các bậc phụ huynh đang muốn biết trẻ biếng ăn chậm lớn phải làm sao, từ sau khi đọc bài viết này, mẹ hãy dừng việc cho con ăn vặt trước bữa ăn. 

Bởi, các món quà vặt như snack, kẹo, nước ngọt thường tạo cảm giác “no giả” khiến trẻ không chú ý đến bữa ăn chính. Đồng thời, một số thức ăn nhanh như gà rán, khoai chiên, pizza chứa nhiều dầu mỡ cũng phải cắt giảm vì có thể làm bé no ngang. Thay vào đó, mẹ có thể cho trẻ ăn thức ăn nhẹ vào bữa phụ như trái cây, sữa chua vừa có nhiều dưỡng chất có lợi, vừa hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn. 

6.12. Tập cho bé làm “đầu bếp” cùng mẹ

Mẹ hãy cho phép con vào bếp cùng mẹ chuẩn bị bữa cơm cho gia đình. Cụ thể là ngoài trao đổi món ăn trong thực đơn, để con đưa ra quyết định thì mẹ nên hướng dẫn trẻ nhặt rau, rửa trái cây hoặc lau chén đũa. 

Điều này không chỉ kích thích khả năng ghi nhớ và sáng tạo, mà còn tạo cảm giác hứng thú cho trẻ khi con được thưởng thức thành quả do bản thân chuẩn bị. Nhờ vậy, trẻ có thể chủ động ăn nhiều, ăn ngon miệng hơn và khắc phục tình trạng biếng ăn. 

Biếng ăn ở trẻ là gì?

Hy vọng chia sẻ trên đây đã giúp bố mẹ nắm rõ đâu là nguyên nhân trẻ biếng ăn và cách khắc phục hiệu quả. Điều quan trọng là không chỉ áp dụng cách giúp trẻ hết biếng ăn mà phụ huynh cũng phải tạo một bầu không khí vui vẻ, thoải mái. Như vậy, trẻ có thể vừa ăn ngon, vừa luôn cảm thấy hào hứng mỗi khi bữa ăn đến.

Trang này có hữu ích không?

Friso cám ơn những phản hồi của mẹ
Friso cám ơn những phản hồi của mẹ
trẻ 1 tuổi biếng ăn

Nguyên nhân trẻ 1 tuổi biếng ăn và 7 cách cải thiện hiệu quả

Trẻ 1 tuổi biếng ăn là một dạng rối loạn ăn uống thường gặp, khiến nhiều bậc phụ huynh bối rối, không biết phải làm sao để con chịu ăn. Cùng Friso tìm hiểu nguyên nhân biếng ăn và 7 cách khắc phục tình trạng này qua bài viết dưới đây nhé.