Nhảy đến nội dung
thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng

Thực đơn ăn dặm truyền thống cho bé 6 tháng mẹ không nên bỏ qua

Khi con bắt đầu ăn dặm, một trong những nỗi lo mà rất nhiều bà mẹ thường xuyên gặp phải đó chính là tình trạng món ăn không hợp khẩu vị, khiến bé từ chối ăn dặm, gây tiêu chảy hoặc làm bé sụt cân nhanh. Trọn bộ thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi dưới đây sẽ giúp mẹ giải quyết vấn đề này một cách nhanh chóng và dễ dàng.

1. Thế nào là ăn dặm kiểu truyền thống?

Ăn dặm truyền thống là phương pháp tập ăn cho trẻ bắt đầu bằng thức ăn loãng, xay nhuyễn cho đến khi trẻ có thể tự nhai cháo nguyên hạt và cuối cùng là cơm. 

Đây là phương pháp ăn dặm lâu đời, có ưu điểm là bố mẹ có thể chủ động xây dựng chế độ ăn uống khoa học cho con, sao cho đảm bảo 4 nhóm dinh dưỡng thiết yếu (chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất). Nhờ đó bé yêu nhận được đầy đủ dưỡng chất theo nhu cầu khuyến nghị, tạo nền tảng phát triển tốt về thể chất và trí tuệ. 

Ngoài ra, cho bé ăn dặm theo kiểu truyền thống còn giúp con có thói quen ăn uống tốt hơn, làm quen với nhiều loại thực phẩm khác nhau. Đồng thời, việc bắt đầu từ thức ăn loãng đến đặc cũng giúp hệ tiêu hóa của con giảm bớt gánh nặng, từ đó hạn chế các vấn đề như đầy hơi, chướng bụng, táo bón ở trẻ…

2. Ưu, nhược điểm của việc cho bé ăn dặm truyền thống

Ăn dặm truyền thống cho bé 6 tháng có những ưu và nhược điểm sau:

Ưu điểm:

  • Bé dễ hấp thu nên tăng cân tốt. 
  • Đồ ăn được xay nhuyễn an toàn cho hệ tiêu hóa.

Nhược điểm:

  • Có thể gây khó khăn cho con khi ăn thô sau này.
  • Xay nhiều thức ăn chung với nhau nên khi trẻ bị dị ứng, mẹ khó phát hiện bé dị ứng với đồ ăn nào.
  • Nhiều thực phẩm xay nhuyễn với nhau nên khiến bé không thể cảm nhận trọn vẹn hương vị của từng loại nguyên liệu.

3. Bé ăn dặm truyền thống gồm những giai đoạn nào?

Các giai đoạn ăn dặm của trẻ bao gồm:

3.1. Giai đoạn 6 - 7 tháng tuổi

Đây là thời điểm trẻ bắt đầu làm quen với thức ăn cùng với cơ hàm đang phát triển dần, tuy nhiên hệ tiêu hóa của bé thì lại non nớt và yếu nên các mẹ cần cẩn thận khi chế biến thức ăn cho con.

3.2. Giai đoạn 7 - 11 tháng tuổi

Lúc này cơ thể trẻ ngày càng lớn hơn, nhu cầu ăn dặm cũng vì thế mà tăng cao. Hơn nữa, giai đoạn này hoạt động của lưỡi và cằm sẽ phát triển, giúp trẻ có thể ăn được những loại thực phẩm có độ cứng vừa phải.

3.3. Giai đoạn 12 tháng tuổi

Đây là lúc trẻ đã mọc răng, mẹ có thể cho con ăn các loại thức ăn thô như rau củ quả hấp chín và một số loại trái cây như cam, quýt,... để bé tập nhai nhuyễn thức ăn bằng răng.

4. Thực đơn ăn dặm truyền thống 6 tháng cần đảm bảo các dưỡng chất nào?

Thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để hỗ trợ con phát triển tốt. Cụ thể, khẩu phần ăn của con cần cân đối 4 nhóm chất sau:

4.1. Nhóm chất đạm (thịt, trứng, cá, tôm, các sản phẩm làm từ đậu nành, đỗ...)

Trong thời gian đầu ăn dặm, mẹ có thể ninh nhừ nước luộc thịt heo hoặc gà vào nấu cùng cháo. Sau khi bé quen vị, mẹ có thể băm nhỏ thịt và xay nhuyễn cho bé tập nhai.

4.2. Nhóm chất béo (dầu)

Ở giai đoạn 6 tháng tuổi, mẹ có thể bổ sung chất béo cho bé bằng cách thêm 1 thìa cafe dầu ô liu hoặc dầu mè vào thức ăn để hệ tiêu hóa của bé làm quen với nhóm chất béo.

4.3. Nhóm chất bột đường (bột gạo)

Là nhóm thực phẩm cung cấp năng lượng chính. Mẹ có thể bổ sung cho trẻ qua các món như cháo loãng, bột,...

4.4. Nhóm vitamin và các loại khoáng chất

Mẹ nên kết hợp rau xanh, củ quả xay nhuyễn trong các món cháo, bột để bổ sung chất xơ cho bé. Ngoài ra, sau bữa ăn chính, mẹ có thể hấp, nghiền nhuyễn trái cây ăn dặm (như táo, chuối, bơ, lê) để bé tráng miệng và bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất

5. Các nguyên tắc khi cho bé ăn dặm kiểu truyền thống

Khi xây dựng thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng truyền thống, mẹ nên “ghi nhớ” các nguyên tắc sau:

5.1. Cho bé ăn dặm với khẩu phần tăng dần từ ít đến nhiều, loãng đến đặc

Để cho trẻ ăn dặm đúng cách khi bắt đầu mẹ nên đút trẻ ăn khoảng ½ thìa hoặc ít hơn, sau đó tăng lên ⅓ chén rồi đến nửa chén. Đồng thời, dạng thức ăn cho bé cũng nên chế biến từ loãng đến đặc nhằm giúp cho bé ăn một cách khoa học, làm quen với thức ăn lạ và tiêu hóa dễ dàng hơn. 

5.2. Hạn chế nêm nếm gia vị trong thức ăn dặm của bé

Ở giai đoạn này, bé chỉ mới bắt đầu làm quen với hương vị thực phẩm. Trong rau củ có hàm lượng muối tự nhiên và các chồi vị giác của bé rất nhiều so với người lớn nên các mẹ không cần nêm gia vị các bé vẫn cảm giác được các vị. Do đó, khi cho bé ăn dặm mẹ không nên vội sử dụng các loại gia vị như muối, đường hay bột ngọt để nêm nếm vì trong thành phần khá phức tạp và chứa nhiều chất bảo quản.

5.3. Không nên bắt ép bé ăn

Với những bé mới lần đầu ăn dặm, nếu bị ép ăn quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến tâm lý khiến bé sợ ăn, biếng ăn dẫn đến khó hấp thu được các chất dinh dưỡng. Tốt nhất cách ăn dặm cho bé lúc này là mẹ chỉ nên đút một lượng rất nhỏ để bé quen dần với loại thức ăn mới ngoài sữa mẹ.

5.4. Cho bé ăn dặm 2 bữa/ngày

Sức ăn của mỗi đứa trẻ là khác nhau, do vậy bố mẹ nên điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp mỗi ngày cho con. Thông thường, với trẻ trên 6 tháng tuổi thì ăn dặm 2 bữa/ngày là đủ, mỗi bữa cách nhau khoảng 2 tiếng đồng hồ.

5.5. Đảm bảo dụng cụ chế biến và thực phẩm ăn dặm cho bé sạch sẽ, vệ sinh

Mẹ cần phải đảm bảo an toàn vệ sinh khi nấu đồ ăn dặm cho bé. Mẹ nên chọn thực phẩm sạch, không sử dụng hóa chất độc hại, chất bảo quản, rửa sạch nguyên liệu làm thức ăn cho bé ăn dặm, vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ nấu nướng để tránh trường hợp thức ăn bị nhiễm khuẩn.

5.6. Chế biến thức ăn phù hợp với từng giai đoạn ăn dặm

Những bé từ 6 - 8 tháng tuổi chưa có phản xạ nhai, vì vậy mẹ nên nấu chín và nghiền nhỏ thức ăn khi cho trẻ ăn dặm để tránh bị hóc. Còn đối với bé lớn hơn thì mẹ nên để thức ăn dạng miếng vừa phải, không cần xay nhuyễn như nấu cháo nguyên hạt để con làm quen với việc nhai. 

5.7. Cho con ăn dặm đúng giờ

Khung thời gian thích hợp cho bé ăn dặm là 9 - 10 giờ sáng vì lúc này cơ thể bé sẽ hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn, tránh các hiện tượng rối loạn tiêu hóa ở trẻ, đầy hơi, khó tiêu nếu ăn quá sớm hoặc quá trễ.

6. Khám phá thực đơn ăn dặm truyền thống cho bé 6 tháng

Nếu mẹ đang xây dựng thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi thì đừng bỏ qua những món ăn thơm ngon, bổ dưỡng sau: 

6.1. Súp sữa bí đỏ

Thực đơn ăn dặm truyền thống cho bé 6 tháng tuổi chắc chắn không thể thiếu súp sữa bí đỏ. Bí đỏ là thực phẩm rất giàu vitamin A, muối khoáng, axit hữu cơ và sắt, giúp bé sáng mắt, chắc xương và ngăn ngừa tình trạng thiếu máu.

thực đơn ăn dặm dành cho bé 6 tháng tuổi

Nguyên liệu

  • 20gr bí đỏ.
  • 60ml sữa mẹ hoặc sữa công thức. 

Hướng dẫn thực hiện

  • Bí đỏ rửa sạch, gọt vỏ và hấp hoặc luộc cho chín mềm.
  • Nghiền hoặc xay nhuyễn bí đỏ. Lọc qua rây để bí đỏ thêm sánh mịn.
  • Đun sữa mẹ với lửa nhỏ, khi sôi lăn tăn cho bí đỏ vào, khuấy đều đến khi sôi. Còn nếu dùng sữa công thức, mẹ chỉ cần pha đúng tỷ lệ và cho bí đỏ vào trực tiếp, khuấy đều là bé dùng được ngay.

6.2. Cháo trắng hạt sen nghiền

Hạt sen có tính mát, có thể hỗ trợ ngăn ngừa táo bón, giảm nóng trong cho bé. Vì thế, đây cũng là thực phẩm phổ biến trong các thực đơn cho bé ăn dặm.

Nguyên liệu

  • 30gr hạt sen.
  • 2 thìa cafe cháo trắng.
  • Lượng sữa mẹ/sữa công thức vừa đủ.

Hướng dẫn thực hiện

  • Lọc bỏ tâm sen, luộc hạt đến khi chín mềm. Sau đó nghiền nhuyễn hạt sen và lọc qua rây cho mịn.
  • Sữa mẹ đun nóng với lửa nhỏ, đến khi sôi lăn tăn thì cho hạt sen vào khuấy đều đến khi sôi. Còn với sữa công thức pha theo tỷ lệ rồi cho hạt sen nghiền vào khuấy đều.

6.3. Cháo thịt bò măng tây

Mẹ hãy cho món cháo thịt bò măng tây vào thực đơn khi áp dụng cách ăn dặm truyền thống cho bé 6 tháng tuổi. Thịt bò là một thực phẩm chứa nhiều dinh dưỡng như protein, sắt, kẽm, choline, selen, vitamin (B6, B12) rất cần thiết cho sự phát triển ở trẻ 6 tháng. Cùng với đó, măng tây giúp bé tăng cường sức đề kháng, tốt cho tiêu hóa và ngăn ngừa suy dinh dưỡng.

Nguyên liệu

  • 1 cây măng tây.
  • 10gr thịt bò.
  • 1 tép tỏi nhỏ.
  • Dầu ăn (dầu ô liu, dầu mè).

Hướng dẫn thực hiện

  • Rửa thịt bò, măng tây, tỏi thật sạch trước khi chế biến. Tiếp đến mẹ băm nhuyễn bò với tỏi và cắt nhỏ măng tây.
  • Phi thơm tỏi đã băm với dầu rồi cho thịt bò và măng tây vào xào đến khi chín mềm, đợi nguội rồi xay nhuyễn.
  • Cho gạo với nước theo tỷ lệ 1:10 và bắt đầu nấu cháo. Khi cháo sôi lăn tăn thì cho hỗn hợp thịt bò măng tây vào khuấy đều đến khi sôi. Sau đó mẹ lọc hỗn hợp qua rây và cho bé thưởng thức.

6.4. Bột ngô - thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng giàu dinh dưỡng

Ngô chứa hàm lượng chất xơ cao, có thể hỗ trợ hoạt động hệ tiêu hóa. Vì thế, mẹ có thể sử dụng ngô để chế biến món bột ngô để giúp thực đơn cho bé ăn dặm thêm đa dạng.

thực đơn ăn dặm cho bé

Nguyên liệu

  • 2 thìa bột gạo.
  • ½ chén nước.
  • ½ trái ngô tươi.

Hướng dẫn thực hiện

  • Ngô rửa sạch, tách lấy hạt, luộc chín và xay nhuyễn.
  • Nấu chín bột gạo cùng nước, sau đó cho ngô đã xay vào khuấy đều.
  • Lọc hỗn hợp bột qua rây cho thật mịn. Vậy là đã hoàn thành món bột ngô rồi.

6.5. Cháo rau chân vịt

Món ăn bổ dưỡng tiếp theo trong thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng là cháo rau chân vịt. Đây là loại rau chứa hàm lượng sắt cao, ngoài ra còn có kali, canxi, magie và các vitamin, hỗ trợ phát triển não bộ và hệ xương của trẻ. 

Nguyên liệu

  • 2 thìa cafe gạo.
  • 2 - 3 búp cải bó xôi.

Hướng dẫn thực hiện

  • Rau mua về rửa sạch rồi luộc rau thật mềm và đem đi xay nhuyễn.
  • Cho gạo vào nước theo tỷ lệ 1:10, đến khi thu được hỗn hợp cháo lỏng thì rây mịn.
  • Cho rau xay vào cháo, khuấy đều và cho bé dùng khi còn ấm.

6.6. Cháo cà rốt bông cải xanh

Cà rốt và bông cải xanh là 2 nguyên liệu được nhiều mẹ ưa chuộng và thường đưa vào thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng. Bởi trong cà rốt và bông cải xanh chứa rất nhiều vitamin (A, C, K, B6) giúp tăng cường hệ miễn dịch

gợi ý thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng

Nguyên liệu

  • Gạo và nước theo tỷ lệ 1:10.
  • 30gr cà rốt.
  • 30gr bông cải xanh.

Hướng dẫn thực hiện

  • Cho gạo vào nước theo tỷ lệ 1:10 và nấu thành cháo.
  • Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch. Bông cải rửa sạch. 
  • Luộc bông cải và cà rốt đến khi chín mềm thì xay nhuyễn. Sau đó cho 2 thìa cà rốt xay, 2 thìa bông cải xay và 2 thìa cháo nhuyễn vào nồi nấu cùng với lửa nhỏ, khi hỗn hợp sôi thì tắt bếp.

6.7. Cháo đậu que, táo hấp nghiền

Đậu que và táo cũng là 2 thực phẩm giàu dinh dưỡng, có lợi cho quá trình phát triển của bé. Do đó, món cháo đậu que táo hấp nghiền được rất nhiều mẹ chia sẻ khi xây dựng thực đơn ăn dặm truyền thống cho bé 6 tháng.

Nguyên liệu

  • 2 - 3 cây đậu que.
  • 2 thìa cafe gạo.
  • ⅛ quả táo.

Hướng dẫn thực hiện

  • Cho gạo vào nước theo tỷ lệ 1:10 và bắt đầu nấu cháo.
  • Đậu que rửa sạch, luộc chín, xay nhuyễn rồi lọc qua rây cho mịn. Tiếp đó cho đậu que đã rây vào cháo đang sôi lăn tăn và khuấy đều.
  • Táo gọt vỏ, rửa sạch, hấp chín và nghiền nhuyễn rồi cho bé dùng tráng miệng.

6.8. Bột cà rốt - thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng

Bột cà rốt đơn giản, dễ làm và là nguyên liệu rất tốt cho sức khỏe, giúp mắt sáng khỏe và tăng cường hệ miễn dịch.

Nguyên liệu

  • Bột gạo.
  • Nước.
  • 50gr cà rốt.

Hướng dẫn thực hiện

  • Cà rốt rửa sạch, gọt vỏ, cắt thành từng miếng nhỏ sau đó xay nhuyễn.
  • Đun sôi bột gạo cùng nước đến khi sôi lăn tăn thì cho cà rốt xay nhuyễn vào, trộn đều và tắt bếp.
  • Sau khi rây hỗn hợp thật mịn, mẹ có thể cho bé ‘măm măm’ ngon miệng rồi.

6.9. Bơ trộn sữa mẹ - thực đơn ăn dặm ngon miệng cho bé

Bơ là loại quả được nhiều mẹ ưa chuộng trong thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng. Loại quả này không chỉ có vị ngọt dịu dễ ăn mà còn chứa nhiều vitamin (A, C, E, K, B6) và khoáng chất (sắt, magie, natri, canxi,...) hỗ trợ bé tăng trưởng tốt.

thực đơn ăn dặm truyền thống cho bé 6 tháng tuổi

Nguyên liệu

  • ¼ quả bơ.
  • 50ml sữa mẹ.

Hướng dẫn thực hiện

  • Mẹ lựa trái bơ có độ chín vừa phải, cắt ¼ trái bơ và bỏ vỏ. Sau đó thái lát mỏng rồi xay hoặc nghiền nhuyễn.
  • Sau đó, trộn bơ với sữa mẹ, khuấy đều lên và cho bé thưởng thức.

6.10. Súp khoai tây sữa

Trong thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi, mẹ hãy thử bổ sung món súp khoai tây sữa. Món ăn này không chỉ thơm ngon mà còn giàu vitamin, khoáng chất, chất xơ, hỗ trợ hệ tiêu hóa của con hoạt động tốt.

Nguyên liệu

  • ½ củ khoai tây.
  • 60ml sữa mẹ.

Hướng dẫn thực hiện

  • Rửa sạch khoai tây, gọt vỏ, cắt nhỏ rồi luộc chín và mang đi nghiền nhuyễn.
  • Đun nóng sữa mẹ với lửa nhỏ, khi sữa sôi lăn tăn thì cho khoai tây vào khuấy đều đến khi sôi thì tắt bếp.
  • Lọc hỗn hợp qua rây để thật sánh mịn và cho bé dùng.

7. Lịch cho bé 6 tháng tuổi ăn dặm kiểu truyền thống

Đối với bé 6 tháng, mẹ có thể tham khảo lịch ăn dặm dưới đây: 

Thời gian

Sáng

Trưa

Chiều

Tối trước khi đi ngủ

1 - 2 tuần đầu

3 bữa bú mẹ

¼ bát bột gạo sữa ăn dặm pha loãng

1 cữ bú mẹ
 

1 cữ bú mẹ
 

2 - 3 tuần sau
 

1 bữa bú mẹ lúc 06:00

½ bát bột gạo sữa và chuối
 

1 bữa bột gạo sữa và bí đỏ ½ bát lúc 08:30

1 bữa bú mẹ lúc 10:30

8. Bố mẹ cần chuẩn bị gì để bữa ăn dặm đầu tiên trở nên đơn giản và dễ dàng?

Để bữa ăn dặm kiểu truyền thống đầu tiên diễn ra thuận lợi, bé vui vẻ hợp tác thì mẹ cần chuẩn bị:

  • Ghế ăn an toàn, thoải mái có chiều cao ngang tầm với bố mẹ.
  • Chuẩn bị muỗng ăn dặm với chất liệu an toàn, không quá to và sâu, không có cạnh sắc nhọn để tránh bé bị xóc miệng.
  • Dùng yếm để ngăn thức ăn dính ra quần áo của bé.
  • Sử dụng khăn vải hoặc khăn ướt để lau miệng cho bé trong quá trình ăn.

Mẹ thấy đấy, chỉ bằng một vài nguyên liệu đơn giản thôi, mẹ đã có thể chế biến rất nhiều món ngon, giúp thực đơn ăn dặm truyền thống cho bé 6 tháng thêm phong phú. Song song ăn dặm, mẹ cũng đừng quên bổ sung thêm sữa dễ tiêu hóa và tăng đề kháng để con phát triển tốt nhé.

Trang này có hữu ích không?

Friso cám ơn những phản hồi của mẹ
Friso cám ơn những phản hồi của mẹ
bé 2 tháng tuổi

Cùng bé yêu khôn lớn - Bé yêu 2 tháng tuổi

Não bộ và thính giác của trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi đã dần hoàn thiện. Giờ đây thiên thần nhỏ của mẹ đã có thể nhìn rõ hơn, biết ngóc đầu và phát ra tiếng cười trong trẻo đầu tiên...