Thực đơn ăn dặm cho bé 9 tháng tuổi khỏe mạnh, đủ chất
Bé 9 tháng tuổi có thể tự cầm - nắm thức ăn và đặc biệt là bé đã mọc r.... read more
Ăn dặm kiểu truyền thống là phương pháp tập ăn cho trẻ bắt đầu bằng thức ăn loãng, xay nhuyễn cho đến khi trẻ có thể tự nhai cháo nguyên hạt và cuối cùng là cơm.
Đây là phương pháp ăn dặm lâu đời, có ưu điểm là bố mẹ có thể chủ động xây dựng chế độ ăn uống khoa học cho con, sao cho đảm bảo 4 nhóm dinh dưỡng thiết yếu (chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất). Nhờ đó bé yêu nhận được đầy đủ dưỡng chất theo nhu cầu khuyến nghị, tạo nền tảng phát triển tốt về thể chất và trí tuệ.
Ngoài ra, ăn dặm kiểu truyền thống còn giúp rèn cho trẻ thói quen ăn uống tốt hơn, làm quen với nhiều loại thực phẩm khác nhau. Đồng thời, tập ăn từ thức ăn loãng đến đặc cũng giúp hệ tiêu hóa của con giảm bớt gánh nặng, từ đó hạn chế các vấn đề như đầy hơi, chướng bụng, táo bón ở trẻ…
Các giai đoạn ăn dặm của trẻ bao gồm:
Giai đoạn 6 - 7 tháng tuổi: Đây là thời điểm trẻ bắt đầu làm quen với thức ăn cùng với cơ hàm đang phát triển dần, tuy nhiên hệ tiêu hóa của bé thì lại non nớt và yếu nên các mẹ cần cẩn thận khi chế biến thức ăn cho con.
Giai đoạn 7 - 11 tháng tuổi: Lúc này cơ thể trẻ ngày càng lớn hơn, nhu cầu ăn dặm cũng vì thế mà tăng cao. Hơn nữa, giai đoạn này hoạt động của lưỡi và cằm sẽ phát triển, giúp trẻ có thể ăn được những loại thực phẩm có độ cứng vừa phải.
>> Xem thêm: Thực đơn cho trẻ 7 tháng ăn dặm
Giai đoạn 12 tháng tuổi: Đây là lúc trẻ đã mọc răng, mẹ có thể cho con ăn các loại thức ăn thô như rau củ quả hấp chín và một số loại trái cây như cam, quýt,... để bé tập nhai nhuyễn thức ăn bằng răng.
Để cùng con trải qua hành trình ăn dặm vui vẻ, nhẹ nhàng, mẹ nên “ghi nhớ” các nguyên tắc sau:
Để cho trẻ ăn dặm đúng cách khi bắt đầu mẹ nên đút trẻ ăn khoảng ½ thìa hoặc ít hơn, sau đó tăng lên ⅓ chén rồi đến nửa chén. Đồng thời, dạng thức ăn cho bé cũng nên chế biến từ loãng đến đặc nhằm giúp cho bé ăn một cách khoa học, làm quen với thức ăn lạ và tiêu hóa dễ dàng hơn.
Ở giai đoạn này, bé chỉ mới bắt đầu làm quen với mùi vị thực phẩm. Trong rau củ có hàm lượng muối tự nhiên và các chồi vị giác của bé rất nhiều so với người lớn nên các mẹ không cần nêm gia vị các bé vẫn cảm giác được các vị. Do đó, khi cho bé ăn dặm mẹ không nên vội sử dụng các loại gia vị như muối, đường hay bột ngọt để nêm nếm vì trong thành phần khá phức tạp và chứa nhiều chất bảo quản.
Với những bé mới lần đầu ăn dặm, nếu bị ép ăn quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến tâm lý khiến bé sợ ăn, biếng ăn dẫn đến khó hấp thu được các chất dinh dưỡng. Tốt nhất cách ăn dặm cho bé lúc này là mẹ chỉ nên đút một lượng rất nhỏ để bé quen dần với loại thức ăn mới ngoài sữa mẹ.
Sức ăn của mỗi đứa trẻ là khác nhau, do vậy bố mẹ nên điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp mỗi ngày cho con. Thông thường, với trẻ trên 6 tháng tuổi thì ăn dặm 2 bữa/ngày là đủ, mỗi bữa cách nhau khoảng 2 tiếng đồng hồ.
Mẹ cần phải đảm bảo an toàn vệ sinh khi nấu đồ ăn dặm cho bé. Mẹ nên chọn thực phẩm sạch, không sử dụng hóa chất độc hại, chất bảo quản, rửa sạch nguyên liệu làm thức ăn cho bé ăn dặm, vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ nấu nướng để tránh trường hợp thức ăn bị nhiễm khuẩn.
Những bé từ 6 - 8 tháng tuổi chưa có phản xạ nhai, vì vậy mẹ nên nấu chín và nghiền nhỏ thức ăn khi cho trẻ ăn dặm để tránh bị hóc. Còn đối với bé lớn hơn thì mẹ nên để thức ăn dạng miếng vừa phải, không cần xay nhuyễn như nấu cháo nguyên hạt để con làm quen với việc nhai.
>> Xem thêm: Cách chế biến và bảo quản thức ăn cho bé để giữ dưỡng chất
Khung thời gian thích hợp cho bé ăn dặm là 9 - 10 giờ sáng vì lúc này cơ thể bé sẽ hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn, tránh các hiện tượng rối loạn tiêu hóa ở trẻ, đầy hơi, khó tiêu nếu ăn quá sớm hoặc quá trễ.
Để trẻ phát triển khỏe mạnh, mẹ cần phải cho trẻ ăn dặm đúng cách với chế độ ăn uống cân đối, đủ 4 nhóm dưỡng chất thiết yếu và lưu ý loại thực phẩm nên - không nên cho con ăn dặm như sau:
• Thịt: Ba mẹ có thể cho con ăn thịt gia cầm hoặc cá đã được xay nhuyễn. Lượng chất đạm có trong thịt cung cấp các axit amin, giúp tăng cường sự phát triển của bé.
• Rau củ, hoa quả: Trẻ có thể ăn được các loại rau củ đã được luộc chín và nghiền nhỏ như cà rốt, khoai lang, khoai tây,.. Cùng một số loại hoa quả như chuối, đào, táo, bơ,... giúp cung cấp vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa và tăng cường hệ miễn dịch của trẻ.
>> Tham khảo thêm: Những loại trái cây nên cho trẻ ăn dặm
• Đậu nành, mè, dầu cá hồi: Đây là các loại thức ăn chứa chất béo, không chỉ mang lại năng lượng mà còn hỗ trợ các loại vitamin (A, D, E, K) hấp thụ vào cơ thể bé tốt hơn.
• Ngũ cốc: Các loại ngũ cốc như gạo, yến mạch, ngô hay lúa mạch đều cung cấp dưỡng chất tốt và nạp năng lượng hàng ngày cho bé.
• Sữa bò: Trẻ không thể tiêu hóa các protein trong sữa bò trong năm đầu tiên nên bố mẹ cần tránh cho trẻ uống sữa bò khi mới tập ăn dặm.
• Mật ong: Trong mật ong chứa bào tử của vi khuẩn Clostridium botulinum, có thể gây ngộ độc do đường ruột của trẻ chưa có cơ chế chống lại các bào tử của các vi khuẩn trên người lớn.
• Thức ăn có thể khiến trẻ bị sặc: Xúc xích, thịt, pho mát,... chưa được cắt nhuyễn, bỏng ngô, bánh ăn cứng, bơ đậu phộng,...
• Socola: Loại thực phẩm này chứa caffeine, nhiều đường không tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ.
• Lòng trắng trứng: Ăn lòng trắng trứng có thể khiến trẻ bị phát ban, kích thích đường ruột và dẫn đến tiêu chảy ở trẻ.
• Nước trái cây đóng hộp: Trong nước trái cây đóng hộp có chứa chất bảo quản, không an toàn cho sức khỏe của bé. Thay vào đó, các mẹ nên cho con uống nước trái cây tươi, tự làm tại nhà.
Nhiều bố mẹ có xu hướng tránh xa những thực phẩm dễ gây dị ứng như trứng, cá, tôm,...trong chế độ ăn dặm của trẻ. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy trì hoãn việc cho trẻ ăn những thực phẩm trên có thể giúp ngăn ngừa dị ứng thực phẩm. Thay vào đó, bố mẹ nên cho bé thử từng loại thực phẩm này với lượng nhỏ và cách nhau khoảng 3 - 5 ngày để xác định xem bé có thật sự bị dị ứng không. Nếu có, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để thiết lập lại chế độ ăn vừa đầy đủ dưỡng chất, vừa đảm bảo an toàn cho bé.
Để phong phú thực đơn ăn dặm kiểu truyền thống, giúp bé thích thú và đỡ ngán hơn, mẹ có thể tham khảo các công thức dưới đây:
Tôm và rau ngót là hai thực phẩm giàu dinh dưỡng, tốt cho trẻ. Nếu trong tôm chứa hàm lượng protein và các axit amin, giúp bé hấp thu tốt thì rau ngót giàu Vitamin A giúp sáng mắt, phát triển xương, tăng cường hệ miễn dịch.
Cách thực hiện: Tôm bóc vỏ, bỏ đầu, bỏ chỉ lưng, rửa sạch và băm nhỏ. Rau ngót rửa sạch, xay nhuyễn. Nấu bột gạo đến khi chín thì cho tôm vào đảo đều. Đến khi bột sôi thì mẹ cho rau ngót vào, khuấy đều rồi tắt bếp. Lọc hỗn hợp qua rây và cho thêm 5ml dầu ô liu là hoàn thành.
Khoai tây là một loại củ giàu vitamin và khoáng chất, rất tốt cho hệ tiêu hóa và sự phát triển thể chất của trẻ.
Cách thực hiện: Khoai tây gọt vỏ, rửa sạch, cắt thành từng lát mỏng và hấp đến khi chín mềm thì xay nhuyễn. Nếu dùng sữa mẹ, thì mẹ cho sữa vào nồi đun nóng cùng khoai tây đến khi sôi thì tắt bếp. Nếu dùng sữa công thức, mẹ pha theo đúng tỷ lệ chuẩn rồi trộn khoai tây vào. Rây hỗn hợp cho thật mịn là đã có ngay món súp khoai tây sữa thơm ngon.
Để bữa ăn dặm đầu tiên diễn ra thuận lợi, bé vui vẻ hợp tác thì mẹ cần chuẩn bị:
• Ghế ăn an toàn, thoải mái có chiều cao ngang tầm với bố mẹ.
• Chuẩn bị muỗng ăn dặm với chất liệu an toàn, không quá to và sâu, không có cạnh sắc nhọn để tránh bé bị xóc miệng.
• Dùng yếm để ngăn thức ăn dính ra quần áo của bé.
• Sử dụng khăn vải hoặc khăn ướt để lau miệng cho bé trong quá trình ăn.
Với những thông tin về hướng dẫn cho bé ăn dặm đúng cách trên đây, hy vọng bố mẹ có thể hiểu rõ và cho trẻ ăn dặm thật tốt để con được phát triển toàn diện và khỏe mạnh hơn mỗi ngày.