Nhảy đến nội dung
trẻ sơ sinh 9 tuần tuổi

Trẻ 9 tuần tuổi có những mốc phát triển đáng mong chờ nào?

Không còn là một em bé ngây ngô chỉ biết khóc để bày tỏ cảm xúc, trẻ 9 tuần tuổi trở nên hiếu động, thích đùa nghịch và xuất hiện nhiều phản ứng đáng yêu hơn. Vậy cụ thể bé con 9 tuần tuổi phát triển như thế nào? Hãy để Friso bật mí cho mẹ những cột mốc trẻ đạt được trong giai đoạn này nhé!

1. Sự phát triển thể chất của trẻ sơ sinh 9 tuần tuổi

Ở thời điểm này, nhiều mẹ khá thắc mắc trẻ 9 tuần tuổi nặng bao nhiêu kg, khi thấy cơ thể của con trở nên đầy đặn và chân tay mũm mĩm hơn. Theo đó, các em bé 9 tuần có cân nặng tăng khoảng 0,9 đến 1,3kg và chiều dài tăng lên 5cm kể từ lúc sinh. Tất cả những con số này thể hiện rằng bé đang phát triển không ngừng và chỉ một khoảng thời gian ngắn nữa thôi, mẹ có thể phải mua quần áo cỡ lớn hơn cho con đấy!

sự phát triển của trẻ 9 tuần tuổi

 

2. Khám phá các cột mốc quan trọng của trẻ 9 tuần tuổi

Cùng với sự thay đổi các chỉ số chiều dài và cân nặng, trẻ sơ sinh 9 tuần tuổi còn có nhiều cột mốc phát triển đáng nhớ về:

2.1. Kỹ năng vận động

Vào tuần đầu tiên của tháng thứ ba (9 tuần), em bé bắt đầu khám phá cách sử dụng bàn tay để cầm, nắm, kéo một vật nào đó trong tầm với. Đồng thời, khi mẹ cho bé một chiếc lục lạc, con không chỉ thích thú lắc để tạo âm thanh và lắng nghe, mà còn chăm chú quan sát các cử động của bàn tay.

Đặc biệt, khi mẹ nhẹ nhàng kéo trẻ thay đổi tư thế từ nằm sang ngồi, con có thể giữ đầu thẳng với lưng; hoặc ngẩng cao đầu những lúc được đặt nằm sấp. Tuy nhiên, do cơ cổ của bé vẫn đang trong quá trình phát triển nên không thể giữ đầu cố định quá lâu mà sẽ nghiêng ngả. Vì vậy, mẹ nên cho con nằm sấp trên nệm, để tránh đầu bé bị va đập mạnh.

2.2. Nhận thức, cảm xúc

Khi quan sát bé ở những thời điểm trong ngày, mẹ có thể nhận biết được sự phát triển của trẻ 9 tuần tuổi một cách rõ rệt qua các biểu hiện sau:

   • Bé biết cười đáp lại mỗi khi trò chuyện hay được mẹ âu yếm.

   • Thính giác dần phát triển hoàn chỉnh giúp trẻ sơ sinh 9 tuần tuổi nghe được nhiều âm thanh khác nhau và có phản ứng lại như nhìn chăm chú, khóc hoặc im lặng.

   • Biết quay đầu tìm kiếm để xác định nơi có tiếng ồn.

   • Trẻ 9 tuần tuổi phát triển như thế nào? Sự hiểu biết về âm thanh của con cũng cải thiện đáng kể. Cụ thể, nếu mẹ mở một bản nhạc sôi động, bé con sẽ chú ý lắng nghe và vung tay, đạp chân liên tục.

   • Bé còn có thể nhận biết dần khuôn mặt của mọi người xung quanh với tầm nhìn xa hơn.

2.3. Khả năng giao tiếp

Bước sang tuần thứ 9, mọi cảm xúc khóc - cười của trẻ đều có sắc thái riêng để thể hiện những nhu cầu khác nhau. Do đó, mẹ sẽ bắt đầu nhận thấy những trạng thái cảm xúc, những dụng ý khác nhau qua các âm điệu ngôn ngữ của trẻ. Đặc biệt, khả năng nghe của trẻ 9 tuần tuổi cũng tiến bộ lên nhiều, vì thế mẹ khá bất ngờ khi thấy con phản ứng và đáp lại những âm thanh ngày càng lanh lẹ. Lúc này, nếu mẹ thường xuyên tương tác sẽ giúp con phát triển tốt cảm nhận về tiếng nói, cảm xúc và trí tuệ.

trẻ sơ sinh 9 tuần tuổi

 

3. Trẻ 9 tuần tuổi khóc nhiều có đáng lo? Mẹ nên làm gì?

Trong quá trình tìm hiểu sự phát triển của trẻ sơ sinh 9 tuần tuổi, nhiều mẹ không khỏi lo lắng vì bé hay có biểu hiện bồn chồn, quấy khóc. Nhất là những khi đói, mệt, bé sẽ cực kỳ khó chịu và khóc nhiều. Song, mẹ đừng quá căng thẳng, bởi biểu hiện “khó ở” có thể là do con chịu ảnh hưởng của tuần khủng hoảng (Wonder Week) - giai đoạn trẻ xuất hiện các bước phát triển mạnh mẽ thể chất và trí tuệ trong hai năm đầu đời.

Tốt nhất, mẹ hãy học cách giải mã tiếng khóc, để hiểu rõ hơn về nhu cầu của con và có cách chăm sóc tốt nhất. Cụ thể:

   • Khi đói, trẻ hay quấy khóc và mút tay, nhóp nhép miệng.

   • Tiếng khóc mỗi khi buồn ngủ thường bắt đầu khá nhỏ, sau đó tăng dần lên với cường độ cao hơn kèm theo động tác dụi mắt, gãi đầu gãi tai.

   • Nếu bất ngờ có tiếng động lớn, ánh sáng hay đêm tối… làm trẻ hoảng sợ, con cũng khóc thét lên và dãy dụa lung tung.

Vào những lúc như vậy, bố mẹ hãy giữ bình tĩnh và nhanh chóng vuốt ve, ôm ấp dỗ dành để giúp con vượt qua cảm giác cáu gắt, bất an. Hoặc mẹ có thể làm bé phân tâm, quên khóc bằng cách cho bé xem các hình ảnh nhiều màu sắc, gõ các đồ vật để tạo âm thanh. 

Trường hợp trẻ 9 tuần tuổi khó ngủ, khóc nhiều do đau bụng hoặc các vấn đề liên quan tiêu hóa khác, đi kèm biểu hiện nôn trớ, đầy hơi, lười bú, khó nuốt… bố mẹ cần chú ý theo dõi trẻ, nếu tình trạng không thuyên giảm thì nên đưa con đến bác sĩ thăm khám.

sự phát triển của trẻ sơ sinh 9 tuần tuổi

 

4. Cách chăm sóc trẻ sơ sinh 9 tuần tuổi phát triển khỏe mạnh

Bên cạnh tìm hiểu trẻ 9 tuần tuổi biết làm gì, phụ huynh cũng cần biết cách chăm sóc và giáo dục phù hợp để hỗ trợ con phát triển tốt. Sau đây là những thông tin về dinh dưỡng, giấc ngủ, tiêm phòng và những kỹ năng nên rèn luyện cho trẻ:

4.1. Dinh dưỡng

Đây là giai đoạn bé yêu tăng trưởng mạnh mẽ, nên lượng sữa cần bú sẽ tăng nhiều hơn so với lúc mới sinh. Vậy trẻ 9 tuần tuổi uống bao nhiêu sữa? Theo đó, lượng sữa trẻ cần tiêu thụ khoảng 120 - 180ml sữa/cữ. Mỗi ngày bé sẽ bú từ 4 - 5 cữ và mỗi cữ cách nhau từ 3 - 4 giờ, trong đó cữ bú đêm của trẻ sơ sinh ở tháng thứ 3 là 1 - 2 cữ.

Có nên tập cho trẻ 9 tuần tuổi bú bình không?

Tập cho bé 9 tuần tuổi bú bình là giải pháp lý tưởng giúp đảm bảo con luôn được bú sữa bất kỳ lúc nào, phòng khi mẹ bị bệnh, đang tạm thời dùng thuốc hoặc quay trở lại làm việc. Hãy cho bé bú một bình mỗi ngày trong 1 đến 3 tuần đầu tiên để làm quen, trước khi chuyển sang bú hai bình mỗi ngày.

4.2. Giấc ngủ

Mặc dù lịch trình sinh hoạt của trẻ đã dần ổn định hơn, nhưng mẹ cũng cần nắm được trẻ 9 tuần tuổi ngủ bao nhiêu là đủ? Tổng thời gian ngủ trung bình của trẻ từ 14 đến 16 giờ mỗi ngày, gồm 4 - 6 giờ ngủ ban ngày và 8 - 9 giờ ban đêm. Tùy theo sự phát triển của mỗi trẻ mà thời gian ngủ sẽ khác nhau, song, mẹ có thể giúp con hình thành thói quen ngủ tốt hơn bằng một số mẹo như:

   • Giảm bớt ánh sáng bằng cách tắt đèn và đóng rèm cửa lại.

   • Mở các bản nhạc giao hưởng nhẹ nhàng để giảm bớt tiếng ồn từ môi trường xung quanh.

   • Đảm bảo trẻ bú đủ sữa và thay tã sạch sẽ trước khi đi ngủ.

   • Lên lịch trình ngủ trưa nhất quán, tránh kéo dài quá 1,5 đến 2 giờ mỗi lần, nhằm giúp trẻ dễ dàng đi vào giấc ngủ vào ban đêm và sâu giấc hơn.

   • Đặt bé nằm xuống ngay khi có dấu hiệu buồn ngủ như tự kéo tai, ngáp, chớp mắt nhiều lần và không tập trung, tự mút ngón tay…

4.3. Các hoạt động giúp trẻ phát triển

Qua những thông tin trẻ 9 tuần tuổi biết những gì, bố mẹ còn chần chờ gì mà không cùng con tham gia các hoạt động hỗ trợ phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ như:

   • Khi bé nằm sấp, hãy để ý tập cho bé ngẩng đầu thẳng 90 độ. Tuy không giữ được lâu, nhưng dần dần bé sẽ biết cách chống phần thân trước bằng tay.

   • Đưa bé ra ngoài đi dạo và cùng trò chuyện, chỉ vào những sự vật, hiện tượng trên đường đi sẽ giúp con tăng cường khả năng quan sát, phát triển vốn từ và hình thành nhận thức rõ hơn về môi trường xung quanh.

   • Luyện tập sự phối hợp các giác quan của bé bằng cách cho con thực hành với nhiều loại âm thanh khác nhau như tiếng gõ thanh gỗ, thủy tinh, thanh kim loại… Lưu ý, cần chọn các món đồ nhẹ, vừa tay trẻ và không có bề mặt sắc nhọn.

   • Nhiều nghiên cứu cho thấy, những em bé được bố mẹ cho phép “trả lời” sẽ học nói sớm hơn. Do đó, trong khi nói chuyện, hãy cho con thời gian để đáp lại những gì bố mẹ đang nói bằng một cái nhìn, mỉm cười hoặc thủ thỉ.

cách chăm sóc trẻ 9 tuần tuổi

 

4.4. Tiêm phòng đầy đủ

Khi được 9 tuần tuổi, trẻ sẽ nhận mũi tiêm 5 trong 1 đầu tiên chống bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt và Hib (haemophilus cúm type B). Bên cạnh đó, trẻ cũng có thể tiêm PCV (vắc-xin liên hợp phế cầu khuẩn) để chống lại nhiễm trùng phế cầu khuẩn, vắc-xin Rotavirus (một nguyên nhân phổ biến của tiêu chảy và bệnh tật) và Meningococcal Group B, giúp bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ mắc bệnh viêm màng não và nhiễm trùng huyết.

Để đảm bảo trẻ sơ sinh 9 tuần tuổi luôn được tiêm chủng an toàn, mẹ cần lưu ý:

   • Kiểm tra kỹ lưỡng tình trạng sức khỏe của bé trước khi tiêm ngừa. Hãy hoãn tiêm chủng nếu bé bị sốt, tiêu chảy hoặc có tình trạng sức khỏe không tốt.

   • Tìm hiểu thông tin về loại vắc xin dự định tiêm cho trẻ và nhờ bác sĩ ghi tên nhà sản xuất, lô vắc xin cùng các phản ứng sau tiêm có thể gặp phải.

   • Theo dõi bé cẩn thận trong vòng 72 giờ sau khi tiêm chủng (đặc biệt là trong 48 giờ đầu). Nếu bé có bất kỳ phản ứng nghiêm trọng hoặc hành vi khác thường nào, mẹ cần lập tức thông báo cho bác sĩ.

   • Ở lần tiêm tiếp theo, hãy nhắc lại cho bác sĩ các phản ứng của bé vào lần tiêm trước đó.

5. Một số câu hỏi thường gặp

Trong quá trình chăm sóc trẻ, các mẹ cũng có một số thắc mắc dưới đây:

- Tần suất đi ngoài của trẻ sơ sinh 9 tuần tuổi có gì thay đổi?

Ở giai đoạn đầu mới sinh, trẻ sơ sinh bú sữa mẹ thường đi ngoài trong hoặc ngay sau mỗi lần bú. Khi được 1 - 2 tháng tuổi, nhu động ruột của bé hoạt động chậm lại nên có thể không đi ngoài, hoặc chỉ đi 1 lần/ngày đối với bé từ 2 tháng tuổi trở lên. Tuy tần suất đi ngoài của bé thay đổi đáng kể, nhưng nếu phân vẫn mềm thì con hoàn toàn bình thường, không bị táo bón.

- Trẻ 9 tuần tuổi có thể gặp vấn đề sức khỏe nào?

Vào thời điểm này, nếu mẹ nhận thấy trẻ chảy nước mắt nhiều hơn bình thường, điều này có thể con đã bị viêm kết mạc. Bên cạnh đó, do làn da của trẻ sơ sinh khá nhạy cảm nên con cũng dễ bị hăm tã khi cọ xát nhiều hoặc không được thay tã thường xuyên.

vấn đề sức khỏe của trẻ 9 tuần tuổi

 

- Khi nào cần đưa bé đến gặp bác sĩ?

Mặc dù rất hiếm trường hợp bé có phản ứng nghiêm trọng sau khi tiêm chủng, nhưng mẹ nên đưa con đến bác sĩ kiểm tra, nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào trong vòng hai ngày sau khi tiêm:

   • Sốt cao trên 40°C.

   • Khóc kéo dài hơn 3 giờ.

   • Động kinh hoặc có hành vi bất thường trong vòng bảy ngày kể từ ngày tiêm.

   • Triệu chứng dị ứng như sưng miệng, mặt, khó thở, phát ban.

   • Bơ phờ, phản ứng chậm và hay buồn ngủ quá mức.

 

Từ những chia sẻ trong bài viết, chắc hẳn đã giúp mẹ biết được sự phát triển của trẻ 9 tuần tuổi như thế nào. Đây là giai đoạn bé yêu rất hiếu động và phát triển không ngừng về thể chất lẫn trí não. Do đó, bên cạnh chú trọng dinh dưỡng, mẹ đừng quên tăng cường các hoạt động tương tác để mỗi ngày trôi qua cùng con đều thật ý nghĩa, tràn đầy cảm xúc nhé!

Trang này có hữu ích không?

Friso cám ơn những phản hồi của mẹ
Friso cám ơn những phản hồi của mẹ
hmo là gì

Những điều tuyệt vời về dưỡng chất quý HMO có trong sữa mà mẹ nên biết

Dưỡng chất HMO được ví như “người hùng thầm lặng” hỗ trợ hệ miễn dịch, bảo vệ bé trước những tác nhân gây hại từ môi trường. Chính vì thế, nhiều mẹ lựa chọn sữa có chứa HMO để con phát triển khỏe mạnh, tự do khám phá thế giới xung quanh trong những năm đầu đời.