Nhảy đến nội dung
trẻ 11 tháng biết làm gì

Trẻ 11 tháng biết làm gì và cách chăm sóc con khỏe mạnh

Ngoài bập bẹ nói những từ đầu tiên và chập chững tập đi, chắc hẳn phụ huynh nào cũng rất tò mò trẻ 11 tháng biết làm gì nữa? Bởi việc nắm được những hoạt động sẽ giúp cha mẹ có cách chăm sóc tốt hơn, đảm bảo trẻ phát triển toàn diện để sẵn sàng bước vào tuổi thôi nôi đầy mới mẻ. Ngay sau đây, hãy cùng Friso tìm hiểu nhé!

1. Khám phá chỉ số phát triển cơ thể của trẻ 11 tháng tuổi

Ở giai đoạn 11 tháng, điều cha mẹ dễ dàng nhận thấy nhất là trẻ tăng trưởng rất nhanh về thể chất. Cụ thể, bé trai 11 tháng tuổi có cân nặng khoảng 7,7kg - 11,5kg và chiều cao từ 70,2cm - 74,5cm. Còn cân nặng bé gái 11 tháng tuổi dao động 7kg - 11kg và chiều cao khoảng 67,7cm - 77,8cm. Ngoài ra, do đã bước vào giai đoạn tập đi, nên hầu như các bé sẽ mất dần vẻ ngoài mũm mĩm và thay vào đó là các cơ bắp trở nên săn chắc hơn.

2. Bé 11 tháng tuổi biết làm những gì? 8 hoạt động thú vị của bé

Bên cạnh sự phát triển thể chất, bé 11 tháng còn làm cha mẹ bất ngờ hơn bởi những hoạt động thú vị xuất hiện qua từng ngày. Cụ thể:

2.1. Có thể đứng vững và tự bước đi

Từ việc ngồi không cần hỗ trợ đến chuyển sang bò thành thục, trẻ 11 tháng tuổi có thể tự đứng vững bằng cách bám lấy đồ vật như bàn ghế, bức tường… Thậm chí một số trẻ còn sải những bước đi đầu tiên với cánh tay bám chắc vào đồ vật mà không cần sự trợ giúp từ cha mẹ.

Trẻ 11 tháng tuổi biết làm gì

 

2.2. Phát âm được nhiều từ mới

Trong quá trình tìm hiểu trẻ 11 tháng biết làm gì, bạn sẽ thấy kỹ năng giao tiếp của con có sự phát triển đáng kể. Theo đó, trẻ đã có thể bắt đầu nói được một số từ đơn giản như ‘ba ba, ma ma, bà bà’… hay gọi tên người thân mà bé thường tiếp xúc. Để giúp con nói ‘sõi’ và phát âm chuẩn hơn, cha mẹ hãy dành thời gian trò chuyện, đáp lại các điệu bộ của bé (như khi con giơ tay đòi bế, chỉ vào một món đồ) nhằm khuyến khích bé giao tiếp; đồng thời việc đọc sách cùng bé mỗi ngày cũng góp phần tăng vốn từ vựng cho con đấy.

2.3. Biết dùng cử chỉ, thái độ để thể hiện cảm xúc

Bước vào tháng tuổi thứ 11, con đã biết dùng cử chỉ, thái độ để thể hiện cảm xúc và nhu cầu của mình. Chẳng hạn như, bé sẽ tỏ ra hào hứng và chỉ vào những món đồ mà mình yêu thích khi nhìn thấy chúng, hoặc biết trêu đọc, đùa giỡn, làm trò mỗi khi nói chuyện cùng cha mẹ. Ngược lại, một số trẻ có thể cảm thấy sợ hãi trước người lạ, lo lắng khi xa cha mẹ, hay giận hờn, buồn bã khi bạn lớn tiếng hoặc ép buộc con làm điều gì đó không thích.

2.4. Ghi nhớ được tên vật dụng quen thuộc hay bắt chước âm thanh

Ở phương diện trí não, hẳn là mẹ cũng thắc mắc bé 11 tháng tuổi biết làm gì. Không chỉ ghi nhớ được khuôn mặt của người thân trong gia đình, trẻ còn có thể nhớ và gọi tên những vật dụng quen thuộc như bình sữa, gấu bông, xe đẩy, quả bóng… Đặc biệt, bé có khả năng bắt chước âm thanh của nhiều loài động vật khác nhau như con mèo, con gà, con chó… nếu được cha mẹ tập cho nghe mỗi ngày.

2.5. Học cách sử dụng đồ vật

Cùng với sự phát triển não bộ, trẻ cũng dần bộc lộ khả năng tư duy của mình. Qua việc lắng nghe và quan sát mọi thứ đang diễn ra xung quanh, bé đã biết cách dùng những món đồ sinh hoạt hàng ngày như cầm thìa xúc thức ăn đưa lên miệng, cầm bình nước, bình sữa bú hoặc lấy điều khiển tivi đưa cha mẹ…

bé 11 tháng tuổi biết làm gì

 

2.6. Hiểu và thực hiện theo một số yêu cầu

Hiểu được những chỉ dẫn đơn giản và thực hiện là đáp án bé 11 tháng tuổi biết làm những gì mà mẹ đang tìm kiếm. Mặc dù chưa hiểu hết ý nghĩa, nhưng khi bạn nói “đến đây”, “chụp lấy”, “đưa cho mẹ”, bé có thể đáp ứng theo yêu cầu. Hoặc khi bạn nói “không” thì con sẽ ngưng ngay hành động mà mình đang làm.

Song, để lời nói “không” có trọng lượng hơn, mẹ chỉ nên dùng khi bé đang thực hiện việc gì đó nguy hiểm. Trường hợp việc bé làm chỉ là do mẹ không muốn, nên chuyển hướng chú ý của bé sang thứ khác thay vì nói “không” liên tục.

2.7. Thích nhảy múa theo điệu nhạc

Bé 11 tháng tuổi biết làm gì? Mặc dù chưa hiểu hết ý nghĩa của tất cả các từ, nhưng sự hiểu biết của bé tiếp tục được cải thiện và chúng có thể bắt nhịp theo giai điệu hoặc một bản nhạc. Đồng thời, nhờ cơ thể lúc này đã cứng cáp hơn trước nên con rất thích nhảy múa, lắc lư theo điệu nhạc.

2.8. Tập xếp đồ chơi, cốc hoặc bát

Với khả năng phối hợp tay và mắt linh hoạt, trẻ rất thích thú với việc xếp chồng đồ chơi, cốc, bát. Do đó, mẹ hãy tạo không gian trong phòng rộng rãi để bé thoải mái chơi đùa và đừng quên khen ngợi, động viên để kích thích khả năng sáng tạo của con nhé!

Khi nào thì cha mẹ cần đưa trẻ đi thăm khám?

Sau khi đã tìm hiểu các hoạt động của bé 11 tháng tuổi, nếu mẹ nhận thấy con không đáp ứng được một trong những cột mốc trên, thậm chí không có biểu hiện cố gắng tập bò, không thể tự ngồi vững hoặc luôn tỏ ra thờ ơ dẫu cho mẹ đã tạo ra tiếng động lớn… Hãy đưa trẻ đến bác sĩ để được thăm khám và phát hiện ra tình trạng bất thường, từ đó có hướng hỗ trợ kịp thời.

 

3. Chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ 11 tháng tuổi

Nhiều bố mẹ cũng thắc mắc trẻ 11 tháng uống bao nhiêu sữa mỗi ngày và ăn bao nhiêu là đủ? Theo đó, mỗi ngày bé 11 tháng tuổi cần khoảng 600 - 1000ml sữa, 3 - 4 bữa chính và 2 - 3 bữa phụ. Do vị giác của con cũng phát triển tốt ở giai đoạn gần một tuổi, nên cha mẹ có thể thử cho bé làm quen với hầu hết các loại thực phẩm rắn.

   • Bữa chính: Mẹ có thể cho bé ăn các món ăn dinh dưỡng như cháo cá, cháo tôm, bột đậu đỏ, bột thịt lợn rau ngót, bột thịt bò khoai tây… Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn mẹ cần lưu ý là cà chua, cà rốt hoặc cần tây chỉ nên cho ăn khi con được hơn một tuổi.

   • Bữa phụ: Mẹ có thể cho bé ăn đa dạng các món như sữa, sữa chua, súp, bún, phở, bánh ngọt.

Trong khẩu phần ăn hàng ngày, mẹ cũng nên bổ sung tầm 1-2 bữa trái cây chín mềm hoặc nước trái cây. Bật mí, cam, chuối và nho là những loại trái cây tốt và phù hợp với bé nhất trong thời kì này. Tránh cho trẻ sử dụng đồ ăn chứa nhiều đường, muối, đặc biệt là mật ong vì dạ dày của bé 11 tháng tuổi vẫn chưa phát triển trưởng thành để xử lý các thành phần trong mật ong.

Bên cạnh đó, do đang trong giai đoạn học hỏi và tiếp xúc nhiều với môi trường bên ngoài, trẻ 11 tháng dễ mắc các bệnh như táo bón, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa… Do đó, mẹ có thể nâng cao sức đề kháng lẫn hệ tiêu hóa cho trẻ bằng cách giữ gìn vệ sinh, bổ sung đủ nước, rau xanh, trái cây xắt nhỏ hoặc các loại hạt…

4. Mẹo chăm sóc trẻ 11 tháng tuổi phát triển toàn diện

Ngoài việc quan tâm tới chế độ dinh dưỡng, mẹ cần nắm được phương pháp chăm sóc và dạy bé 11 tháng tuổi tốt hơn qua những mẹo dưới đây:

   • Hãy tạo cho bé một môi trường an toàn để bé bò và tập đi dễ dàng hơn. Tốt nhất, mẹ nên dẹp các đồ vật không vững chắc, những vật sắc, nhọn vì chúng có thể gây nguy hiểm cho bé.

   • Thường xuyên trò chuyện với bé, đáp lại những tiếng ê a của bé, sẽ giúp mẹ phát hiện khả năng “tám” của bé tăng lên đáng kể.

   • Đừng quên đưa bé ra ngoài và gặp gỡ những người xung quanh, các bạn cùng tuổi để bé phát triển tốt các kỹ năng xã hội và giao tiếp.

   • Cho bé những đồ chơi có thể đẩy đi được để phát triển và khuyến khích khả năng vận động của bé

   • Bổ sung cho bé các món ăn dễ tiêu hóa, nhạt và hạn chế cho bé ăn quá nhiều dầu mỡ, muối cũng là cách giúp con luôn “khỏe từ bên trong”.

   • Mẹ nên chế biến món ăn bằng cách hấp chín để giữ được nhiều dưỡng chất trong thức ăn. Luộc và hầm có thể làm giảm hoặc mất đi nhiều vitamin hòa tan và các dưỡng chất khác.

 

Hy vọng những chia sẻ về việc trẻ 11 tháng biết làm gì đã giúp mẹ thêm nhiều thông tin, từ đó chủ động hơn trong việc chăm sóc và dạy dỗ con hiệu quả. Tốt nhất, mẹ nên kết hợp tăng cường các hoạt động rèn luyện kỹ năng và bổ sung dinh dưỡng phù hợp, bởi một hệ tiêu hóa khỏe sẽ góp phần giúp trẻ phát triển hệ miễn dịch, thể chất, trí tuệ vượt trội.

Trang này có hữu ích không?

Friso cám ơn những phản hồi của mẹ
Friso cám ơn những phản hồi của mẹ
Cùng bé yêu khôn lớn - Bé yêu 12 tháng tuổi

Cùng bé yêu khôn lớn - Bé yêu 12 tháng tuổi

12 tháng tuổi là cột mốc vô cùng quan trọng đối với mọi em bé. Trong giai đoạn này, đa số các bé cưng đã có thể tự bước đi những bước đầu tiên, không những thế, khả năng giao tiếp cùng nhận thức ngôn ngữ của bé cũng sẽ gia tăng đáng kể.