Nhảy đến nội dung
bé đi học mẫu giáo

Cho bé đi học mẫu giáo: Cha mẹ nên chuẩn bị thế nào?

Cho bé đi học mẫu giáo là cơ hội tốt để bé được khám phá, được kết bạn và học hỏi vô vàn kiến thức, kỹ năng mới. Tuy nhiên, để con dễ dàng thích nghi với môi trường mới này, cha mẹ cần chuẩn bị gì cho bé? Những lưu ý nào phụ huynh nên biết trước khi đưa bé đến trường? Cùng tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây!

1. Nên cho bé đi học mẫu giáo ở độ tuổi nào?

Có nhiều phụ huynh thắc mắc rằng nên cho con đi học mẫu giáo lúc mấy tuổi là tốt nhất? Tùy vào nhịp sống của mỗi quốc gia mà độ tuổi cho bé đi mẫu giáo cũng sẽ khác nhau:

  • Việt Nam: Độ tuổi đi học mẫu giáo trung bình của bé là từ 2 đến 2,5 tuổi.
  • Trung Quốc: Độ tuổi đi học mẫu giáo của bé Trung Quốc trung bình là 3 tuổi.
  • Nhật Bản: Trường mẫu giáo ở Nhật Bản nhận bé từ 3 tháng tuổi.
  • Thụy Điển: Độ tuổi đi học của trẻ em Thụy Điển là 1 tuổi.
  • Hoa Kỳ: Trường mẫu giáo ở Hoa Kỳ nhận giữ bé khi mới 6 tuần tuổi.
bé đi học mẫu giáo lúc mấy tuổi

 

Vì sao không nên cho bé đi học quá sớm hoặc quá muộn?

Phụ huynh không nên cho bé đi học quá sớm hay quá muộn, bởi:

  • Nếu cho trẻ đi học sớm: Bé dưới 2 tuổi không nên đi học mẫu giáo, vì trong giai đoạn này trẻ chưa quen xa người thân, chưa tự chăm sóc bản thân được (tự đi vệ sinh, ăn bằng thìa) cũng như chưa đủ ngôn ngữ để bày tỏ cảm xúc, nhu cầu của mình. Cho nên, lúc này bé chưa phù hợp để đi học mẫu giáo.
  • Nếu cho trẻ đi học muộn: Cho bé đi học mẫu giáo muộn (sau 4 tuổi) có thể khiến bé khó hòa nhập với môi trường mới. Nhập học muộn không chỉ khiến bé gặp nhiều hạn chế trong việc phát triển các kỹ năng cơ bản, khả năng giao tiếp xã hội mà còn khiến việc tiếp thu kiến thức của bé diễn ra chậm hơn so với bạn cùng trang lứa. Do đó, cha mẹ hãy cho bé đến lớp mẫu giáo sớm hơn 4 tuổi nhé.

2. Lợi ích khi cho bé đi học mẫu giáo

Cho bé đi mẫu giáo khi đúng tuổi giúp con nhận được rất nhiều lợi ích. Thông qua việc học tập, bé còn học hỏi và phát triển nhiều kỹ năng mới.

2.1. Phát triển kỹ năng xã hội

Khi đi học mẫu giáo con sẽ được làm quen, trải nghiệm môi trường học tập có giáo viên, bạn bè cùng trang lứa. Điều này sẽ giúp con học được cách lắng nghe người khác, giúp đỡ lẫn nhau, phát triển khả năng giao tiếp với mọi người.

kỹ năng cần thiết cho bé đi học mẫu giáo

 

2.2. Tiếp thu kiến thức cơ bản

Các bài học tại trường mẫu giáo sẽ giúp bé xây dựng được các nền tảng kiến thức cơ bản về sắc màu, chữ cái, con số, con vật và nhiều kiến thức hữu ích khác.

2.3. Thích nghi tốt với môi trường học đường

Đi học mẫu giáo là cơ hội để bé làm quen với môi trường học đường. Theo đó, bé sẽ biết những điều xảy ra trong lớp học, làm quen với giờ giấc, tác phong… để thích nghi dễ dàng hơn với việc đi học sau này.

2.4. Rèn luyện tính tự lập

Bé đi học mẫu giáo sẽ được giáo viên hướng dẫn các cách tự chăm sóc bản thân, tự vệ sinh, ăn uống… Ngoài ra, bé cũng biết cách quan tâm, chăm sóc cũng như giúp đỡ những người xung quanh mình.

2.5. Đem lại niềm vui cho bé

Trường mẫu giáo sẽ mang đến cho bé nhiều niềm vui hơn thông qua các trò chơi, tương tác trên lớp, vui chơi với bạn bè đồng trang lứa. Con sẽ vui vẻ, dạn dĩ, năng động hơn.


Xem thêm: 12 trò chơi Montessori giúp trẻ phát triển trí não thông minh


3. Cho bé đi học mẫu giáo, cha mẹ nên chuẩn bị thế nào?

Để con phát triển tốt và có môi trường học tập lành mạnh, khi đến tuổi, cha mẹ hãy cho bé đi mẫu giáo. Tuy nhiên, trước khi cho con đến trường, cha mẹ hãy chuẩn bị mọi thứ thật sẵn sàng để giúp trẻ làm quen và dễ dàng hòa nhập với môi trường mới nhé.

3.1. Chuẩn bị đồ dùng cần thiết

Chuẩn bị đồ dùng cá nhân rất cần thiết trên hành trang cho bé đến trường. Theo đó, các bậc phụ huynh nên chuẩn bị:

  • Balo: Trang bị cho bé 1 chiếc balo để đựng đồ dùng cá nhân của bé.
  • Quần áo: Cha mẹ nên chuẩn bị dự phòng 2 - 3 bộ quần áo để bé thay khi trang phục bị ướt hoặc bẩn ở trường.
  • Chăn gối: Cha mẹ nên chuẩn bị chăn gối cho bé vì chăn gối quen thuộc sẽ giúp bé dễ chìm vào giấc ngủ hơn.
  • Gấu bông: Trang bị cho con 1 chú gấu bông yêu thích sẽ là một người bạn đồng tuyệt vời với bé trong thời gian đầu mới đi học.
đồ dùng cho bé đi học mẫu giáo

 

  • Đồ dùng vệ sinh cá nhân: Cha mẹ nên chuẩn bị đầy đủ các vật dụng vệ sinh cá nhân cho bé như bỉm, khăn mặt, bàn chải, kem đánh răng cho con.
  • Bình nước: Khi bé đi học mẫu giáo, mẹ nên chuẩn bị cho con 1 bình nước riêng. Điều này sẽ giúp bé dễ dàng nhận biết đồ dùng của mình cũng như chủ động yêu thích việc uống nước hơn.
  • Sữa: Để con được đảm bảo dinh dưỡng khi ở trường, bố mẹ có thể pha sữa, sau đó đựng vào bình cho bé mang theo.

3.2. Cho con tham gia hoạt động xã hội mỗi tuần

Để con dễ dàng thích nghi với môi trường mới, cha mẹ nên cho con tham gia các hoạt động xã hội, tiếp xúc nhiều hơn với mọi người. Phụ huynh có thể cho con tham gia một lớp học âm nhạc, học vẽ, chơi thể thao…

3.3. Tập cho bé xa cha mẹ trước khi đến trường

Trước khi cho bé đi mẫu giáo, cha mẹ hãy tập cho con quen với việc xa cha mẹ. Điều này sẽ giúp bé dạn dĩ hơn trong những ngày đầu đến lớp. Theo đó, thỉnh thoảng phụ huynh có thể gửi con đến nhà ông bà, cho bé quen với việc tách khỏi cha mẹ.

3.4. Dạy con các kĩ năng cần thiết 

Trước khi cho bé đi học mẫu giáo, cha mẹ nên dạy cho con một vài kỹ năng cần thiết như sau:

  • Tự lập: Hãy dạy con những kỹ năng cơ bản để con có thể tự lập và chăm sóc tốt cho bản thân khi ở trường: dạy con cách đi vệ sinh, rửa tay sạch, tự ăn uống, mặc quần áo, mang giày…
bé đi học mầm non

 

  • Cư xử và giao tiếp đúng mực: Những đứa trẻ ngoan ngoãn, lễ phép luôn được thầy cô và bạn bè yêu mến. Bố mẹ hãy dạy con biết sẻ chia đồ chơi cùng bạn bè, biết “Dạ, thưa” với người đối diện, biết cách quản lý cảm xúc…
  • Tự bảo vệ chính mình: Trước khi con bắt đầu học mẫu giáo, bố mẹ hãy giúp con nhớ họ tên của bản thân, bố mẹ, địa chỉ nhà, số điện thoại. Thậm chí, bố mẹ nên lưu những thông tin này vào quyển vở, chiếc cặp sách mà con dùng hàng ngày để đề phòng trường hợp xấu có thể xảy ra.

3.5. Chuẩn bị tâm lý để con sẵn sàng đến trường

Mẫu giáo đối với trẻ là môi trường hoàn toàn mới, nên việc trẻ cảm thấy bất an và khóc trong những ngày đầu đến trường là điều dễ hiểu. Để bé đi học mẫu giáo với tinh thần đầy phấn khởi, bố mẹ có thể áp dụng những cách sau:

  • Giúp bé làm quen với trường lớp: 2 tuần trước ngày học chính thức, mẹ nên dẫn bé đến trường và nói cho con nghe về những điều thú vị ở trường lớp, bạn bè, thầy cô… Điều này sẽ tạo ấn tượng tốt, giúp con nhận thấy trường học là nơi hấp dẫn và dễ dàng thích nghi với việc học hơn. 
  • Nếu sáng nào bé cũng mè nheo, không muốn vào lớp, bố mẹ nên học cách cứng rắn: Thay vì xót xa, vỗ về con nín khóc, bố mẹ nên vui vẻ chào tạm biệt, hứa rằng chiều sẽ đến đón con sớm và dứt khoát ra về, không ngoảnh lại để xem phản ứng của con. Chính thái độ dứt khoát của bố mẹ sẽ giúp bé ý thức được việc vào lớp là bắt buộc, không thể phản kháng.  
  • Không lấy cô giáo, việc học ra dọa mỗi khi con mắc lỗi vì điều này sẽ khiến bé sợ cô giáo, trường học hơn. 
  • Động viên và dành nhiều thời gian tâm sự, chia sẻ với con về một ngày ở trường. Cách này có thể giúp bố mẹ hiểu con hơn, cũng như biết được nguyên nhân tại sao bé không thích đi học, từ đó dễ dàng tìm cách khắc phục. 
hình ảnh bé đi học mẫu giáo

 

Ngoài ra, bố mẹ nên chủ động cùng con chuẩn bị những vật dụng cần thiết như đi mua quần áo mới, giày dép, khăn tay, balo… Cách này không những giúp con thêm hứng thú khi đến trường, mà còn gắn kết tình cảm gia đình. 

3.6. Bổ sung dinh dưỡng cho bé

Trẻ bị ốm khi đi học mẫu giáo là điều bình thường, dù môi trường có được giữ vệ sinh sạch sẽ, nhưng do con ăn chung bàn, ngủ chung giường, chơi chung đồ chơi với các bạn khác nên virus gây bệnh rất dễ lây lan. Để bé đi học mẫu giáo ít ốm vặt, bố mẹ cần:

  • Bổ sung các loại thực phẩm giúp con tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch: Thịt, cá, trứng, rau xanh, trái cây, sữa và các chế phẩm từ sữa… Nhất là bổ sung những thực phẩm giàu vitamin C để phòng tránh bệnh vặt: sơ-ri, cam, quýt, chanh, nho, bưởi, táo tây, kiwi, dứa… 
  • Tập cho con thói quen uống nhiều nước và đi ngủ đúng giờ để con ngủ đủ giấc. 

3.7. Thực hiện thói quen tạm biệt

Vào những ngày đầu bé đi học mẫu giáo, con có thể lo lắng rằng cha mẹ không đến đón bé vào cuối ngày. Chính vì thế, việc thực hiện một số thói quen tạm biệt chẳng hạn như high-five, nói lời hứa hẹn như “Mẹ sẽ quay lại để gặp con sớm” sẽ giúp bé tin tưởng rằng cha mẹ cuối ngày sẽ đến đón về nhà.

3.8. Tạo sự hào hứng cho bé trên đường đi học

Cha mẹ có thể chia sẻ với bé những hoạt động thú vị mà con sẽ trải qua ở trường. Điều này sẽ tạo cho bé tinh thần hứng khởi hơn với việc đi học. Bên cạnh đó, phụ huynh nên duy trì thái độ lạc quan, hào hứng khi chở con đi học, giúp bé cảm thấy bình thường hóa việc đi học.

4. Một số điều nên làm và không nên làm khi cho bé đi mẫu giáo

Ngoài chuẩn bị đầy đủ những điều vừa kể trên, cha mẹ cũng nên lưu ý một số điều NÊN - KHÔNG NÊN làm khi cho con đi học: 

Những việc nên làm:

  • Phụ huynh nên chọn một trường học ở gần nhà cho bé.
  • Mẹ nên dành khoảng 15 - 20 phút vào lớp cùng con trong 1, 2 tuần đầu.
  • Cho bé mang theo món đồ chơi yêu thích.
  • Luôn nói lời “tạm biệt” với bé trước khi ra về.
  • Cho bé làm quen trước với lớp học.
  • Thường xuyên khích lệ tinh thần mỗi khi đưa hoặc đón bé.
  • Cho bé mặc những trang phục quen thuộc hàng ngày.
  • Cha mẹ phải đón bé đúng giờ.

Những việc không nên làm:

  • Không tỏ ra bịn rịn hay quá lo lắng trước mặt con.
  • Không mềm lòng khi bé khóc lóc, cáu giận đòi về.
  • Không mặc cho bé những bộ quần áo khó cởi, gây vướng khi bé đi vệ sinh.
  • Đừng gây áp lực cho bé trong việc đi học hoặc dùng cô giáo để dọa nạt bé.

Với những thông tin được chia sẻ trên đây, hy vọng các bậc phụ huynh đã biết nên chuẩn bị gì cho bé đi học mẫu giáo. Chúc bé yêu sẽ khám phá nhiều điều mới mẻ, thú vị trong ngôi trường đầu tiên của mình! 

 

Trang này có hữu ích không?

Friso cám ơn những phản hồi của mẹ
Friso cám ơn những phản hồi của mẹ
trẻ 3 tuổi nên học gì

Trẻ 3 tuổi nên học gì để thông minh lớn khôn và khỏe mạnh?

Giai đoạn 3 tuổi là cột mốc đánh dấu nhiều sự phát triển mới của trẻ, cả về thể chất và trí tuệ. Trẻ tò mò nhiều hơn và thích tìm tòi, khám phá về thế giới xung quanh. Chính vì vậy, bố mẹ hãy tận dụng thời điểm “vàng” này để dạy trẻ thành thạo hơn về ngôn ngữ cũng như các thói quen tốt và hoàn thiện tính cách. Vậy trẻ 3 tuổi nên học gì? Hãy cùng tìm hiểu các bài học giúp bé thông minh lớn khôn và khỏe mạnh hơn qua bài viết dưới đây nhé!