Trẻ bị đau bụng quanh rốn từng cơn: Nguyên nhân và giải pháp
Khi đồng hành cùng bé yêu khôn lớn, phụ huynh luôn chú ý đến từng biểu.... read more
Một trong những mối quan tâm hàng đầu của mẹ là em bé 12 tuần tuổi nặng bao nhiêu mới chuẩn? Theo đó, kích thước trẻ sơ sinh 12 tuần tuổi tăng khoảng 3kg và dài thêm 2,5cm mỗi tháng. Từng ngày trôi qua mẹ sẽ thấy cơ thể nhỏ bé của con phát triển không ngừng, chân tay và toàn thân trở nên mũm mĩm hơn. Một số bé thậm chí có thể sẵn sàng để mặc cỡ quần áo tiếp theo. Vì thế, mẹ cần chú ý quan sát để chọn quần áo phù hợp, giúp con thoải mái vận động nhé!
Đi cùng với vẻ ngoài lớn nhanh như thổi, trẻ 12 tuần tuổi còn làm mẹ bất ngờ khi đạt được các cột mốc phát triển về:
Vào tuần này, em bé của bạn biết dùng tay chống xuống để đỡ ngực, từ đó ngẩng đầu lên cao 90 độ khi nằm sấp. Ngược lại, nếu được đặt nằm ngửa, bé sẽ bắt đầu nghịch ngợm đá, duỗi chân hoặc đưa chúng lên miệng ngậm. Bên cạnh đó, bé 12 tuần tuổi đã biết với tay ra xa và cầm nắm rất chặt, nên thi thoảng con sẽ tóm lấy một vật trước mặt như ngón tay, tóc hay áo của bố mẹ. Tốt nhất, mẹ cần đảm bảo rằng không có bất kỳ vật cứng hoặc sắc nhọn nào để gần con nhé!
Thật không sai khi nói rằng thời gian này nhiều bố mẹ “nghiền” tương tác cùng con hơn. Bởi mỗi khi trò chuyện, bé 12 tuần tuổi biết dùng nụ cười và ngôn ngữ trẻ thơ (những âm thanh ê ê, o o, a a) để đáp lại. Nếu mẹ chơi ú òa và vỗ tay, con sẽ phát ra tiếng cười khúc khích không ngớt, thậm chí là ré lên khi thích thú.
Đôi khi, trong lúc nói quá nhiều, bé có thể ọc ra một ít sữa chưa kịp tiêu. Điều này hoàn toàn bình thường do đường tiêu hóa chưa phát triển hoàn chỉnh, nên mẹ không phải quá lo lắng.
>>> Xem thêm: Các giai đoạn phát triển ngôn ngữ ở trẻ 0 - 6 tuổi mà cha mẹ cần nắm
Về khía cạnh nhận thức và cảm xúc, trẻ sơ sinh 12 tuần tuổi dần phát triển rõ rệt. Từ những gì tiếp xúc hằng ngày, con bắt đầu nhận ra việc đá, đấm vào đồ vật có thể làm cho nó di chuyển, hoặc nếu rung lắc lục lạc sẽ phát ra âm thanh. Chưa kể, trẻ 12 tuần tuổi đã hình thành một số phản xạ nhất định như quay đầu về nơi có tiếng động, hay tỏ ra phấn khích khi biết mình sắp được cho ăn mỗi lúc đến giờ bú và thấy mẹ lại gần.
Ngoài ra, bé cũng thể hiện nhiều loại cảm xúc hơn gồm hài lòng, mong đợi và khó chịu, hờn dỗi khi không thích điều gì đó. Những lúc này, mẹ hãy dỗ dành bé nhẹ nhàng để con thoải mái hơn.
Nếu đã biết trẻ sơ sinh 12 tuần biết làm gì, điều mẹ cần làm tiếp theo là tìm hiểu cách chăm sóc phù hợp để giúp con phát triển một cách toàn diện nhất. Cụ thể:
Bước sang tuần tuổi thứ 12, bé có xu hướng đòi bú nhiều hơn và tần suất bú bỗng trở nên thất thường, không theo lịch trình như trước đó. Điều này có thể do bé đang bước vào giai đoạn tăng trưởng nhảy vọt, thường xảy ra vào lúc con 2, 3, 6 tuần hay 3 tháng (12 tuần).
Vậy trẻ 12 tuần tuổi cần uống bao nhiêu sữa? Theo đó, lượng sữa em bé 12 tuần cần tiêu thụ khoảng 120 – 180 ml sữa/cữ bú. Mỗi ngày bé sẽ bú từ 4 - 5 cữ và mỗi cữ có thể cách nhau từ 3 - 4 giờ, trong đó cữ bú vào ban đêm là 1 - 2 cữ. Để mang đến nguồn sữa dồi dào, chất lượng cho con bú, mẹ nên tăng cường ăn các thực phẩm kích sữa (như yến mạch, chân giò, các loại hạt…), bổ sung nhiều rau xanh, trái cây…
Tổng số giờ ngủ của bé 12 tuần dao động khoảng 14 đến 16 giờ/ngày, trong đó gồm có 8 - 9 giờ vào ban đêm và 4 - 6 giờ vào ban ngày. Tùy vào mỗi bé mà thời gian này có thể dài hoặc ngắn khác nhau, nhưng mẹ cần đảm bảo con vẫn có những giấc ngủ trưa ngắn - điều này rất có lợi cho sự phát triển trí não của trẻ. Ngoài ra, vào ban đêm trước khi cho bé ngủ, mẹ hãy thử massage, hát ru, kể cho bé nghe những câu chuyện cổ tích để giúp con dễ dàng chìm vào giấc ngủ hơn.
Khi chăm sóc trẻ sơ sinh 12 tuần, mẹ hãy rèn luyện cho con khả năng cầm, nắm và phát triển thị lực, thính giác bằng một số hoạt động sau:
• Mua cho bé những món đồ chơi nhiều màu sắc và có phát ra âm thanh như hộp âm nhạc, để vừa giúp bé vui vẻ vừa có thể luyện tập các kỹ năng kể trên.
• Gọi tên các sự vật, hành động mỗi khi tương tác nhằm giúp bé tăng khả năng ghi nhớ.
• Đọc sách cho bé nghe với nhiều tông giọng, có nhấn nhá sẽ giúp thính giác của bé dễ dàng bắt nhịp với nhịp điệu và ngôn từ.
• Ngoài thời gian trong nhà, mẹ cũng nên cho trẻ 12 tuần tuổi ra ngoài đi dạo. Thông qua việc quan sát cảnh vật, con người xung quanh, trẻ sẽ mở rộng nhận thức và thị lực hơn.
Trong giai đoạn phát triển, bố mẹ cần lưu ý đến một số vấn đề sức khỏe mà trẻ 12 tuần tuổi có thể gặp phải như:
• Đầu bé bị dẹt: Xương sọ của trẻ sơ sinh khá mềm, nên nếu nằm ngửa vào ban đêm quá lâu có thể khiến đầu bị dẹt. Song, trong nhiều trường hợp, các vết dẹt của trẻ 12 tuần tuổi sẽ trở lại bình thường khi con bắt đầu biết bò và ngồi.
• Rụng tóc: Việc trẻ giữ đầu ở cùng một tư thế và thường xuyên cọ xát xuống nệm cũng có thể làm tóc bị rụng nhiều ở những vị trí này. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ chấm dứt khi bé lớn hơn và thay đổi những thói quen kể trên.
• Thoát vị bẹn: Thoát vị bẹn có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh từ 1 đến 12 tuần, nhất là bé trai, bé sinh non và các cặp sinh đôi. Do đó, nếu nhận thấy bé có khối u hoặc vết sưng ở vùng bẹn hoặc bìu thì cần mau chóng đưa con đến bác sĩ để thăm khám.
Mặc dù mỗi trẻ sẽ có tốc độ tăng trưởng và phát triển khác nhau, nhưng nếu con bạn hầu như không có bất kỳ dấu hiệu phản ứng hoặc nhận biết nào như: Mắt không nhìn theo chuyển động, không nhận thức được âm nhạc, âm thanh… thì cần đưa trẻ đến bác sĩ thăm khám để kiểm tra và có hướng cải thiện càng sớm càng tốt.
Nhìn chung, bé 12 tuần tuổi rất thích vận động và khám phá môi trường xung quanh. Chính vì thế, bên cạnh chú trọng dinh dưỡng và giấc ngủ, bố mẹ nên dành nhiều thời gian tương tác, chơi đùa cùng bé để kích thích sự phát triển giác quan lẫn các kỹ năng xã hội cần thiết nhé!