Các giai đoạn phát triển tâm lý của trẻ từ 0 đến 16 tuổi
Ở mỗi giai đoạn khác nhau, trẻ sẽ có những biến đổi nhất định về tâm l.... read more
Táo bón chức năng (còn gọi là táo bón cơ năng) chủ yếu là do hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện, chứ không phải do các tổn thương về thực thể hay sinh lý. Dấu hiệu táo bón dễ nhận thấy ở trẻ nhất là số lần đi đại tiện giảm, phân khô cứng gây đau và khó chịu mỗi khi đi tiêu.
Tình trạng táo bón cơ năng chiếm đến 95% trường hợp ở trẻ em và thường gặp ở trẻ có độ tuổi từ 2 - 6. Các loại táo bón chức năng bao gồm:
Táo bón có nhu động ruột hoạt động bình thường: Đây là tình trạng hoạt động co bóp cơ ở ruột và sự di chuyển của phân trong ruột già vẫn bình thường, nhưng khi tống phân ra ngoài thì lại gặp khó khăn. Lúc này trẻ sẽ có biểu hiện đầy hơi và chướng bụng.
Táo bón có nhu động ruột hoạt động chậm: Cơ ruột co bóp chậm hơn so với bình thường khiến phân di chuyển trong ruột cũng chậm lại và lâu bị đẩy ra ngoài.
Rối loạn bài xuất phân: Tình trạng này khiến trẻ muốn đi vệ sinh nhưng lại không đi được, gây đau đớn khó chịu. Rối loạn bài xuất phân có thể gặp ở trẻ bị táo bón lâu ngày, có dấu hiệu bị trĩ, nứt hậu môn,...
Các biểu hiện của táo bón cơ năng ở trẻ:
Trẻ dưới 1 tuổi: Đi đại tiện dưới 3 lần/tuần, phân rời từng cục như phân dê, to và cứng, dùng nhiều sức rặn khi đi vệ sinh, căng thẳng, bụng đau khó chịu, chảy máu hậu môn do phân quá cứng.
Trẻ trên 1 tuổi: Đi tiêu dưới 3 lần/tuần, phân có dạng từng cục rời rạc và to cứng, rặn đau mỗi khi đi tiêu, nín giữ phân, giảm đau bụng nếu đi đại tiện được, biếng ăn, chậm tăng cân.
Các trường hợp trẻ dễ bị táo bón chức năng:
• Bắt đầu chuyển sang chế độ ăn dặm với các loại thực phẩm thô cứng hơn.
• Trong thời gian trẻ tập đi tiêu trong nhà vệ sinh hoặc ngồi bô.
• Khi trẻ bắt đầu đến trường đi học.
Trẻ bị táo bón cơ năng có thể do một số nguyên nhân sau:
Hoạt động ở nhu động ruột chậm: Nhu động ruột hoạt động chậm khiến quá trình di chuyển thức ăn và bài tiết phân bị gián đoạn. Thức ăn không tiêu gây đầy bụng và các chất cặn bã không được đẩy xuống ruột già gây nghẽn ở ruột và dẫn đến táo bón ở trẻ.
Trẻ nhịn đi đại tiện: Thói quen nhịn đi đại tiện do trẻ không quen nhà vệ sinh, sợ bẩn, mải lo chơi đùa hoặc sợ đau khi rặn càng khiến phân trở nên khô cứng, khó đẩy ra ngoài và làm táo bón trở nên nặng hơn.
Chế độ dinh dưỡng thiếu chất xơ: Chất xơ có khả năng tăng kích thước và làm phân trở nên mềm xốp, dễ đào thải ra ngoài. Nếu bé lười ăn rau xanh, trái cây và ăn nhiều đồ ăn vặt sẽ khiến con thiếu hụt chất xơ, vitamin và bị táo bón.
Sữa công thức chứa đạm khó tiêu, đã qua xử lý nhiệt nhiều lần: Đối với trẻ uống sữa công thức, nếu đạm sữa đã được xử lý nhiệt nhiều lần sẽ bị biến tính và vón cục, gây khó tiêu và có thể dẫn đến táo bón chức năng ở trẻ em.
Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc kháng sinh, điều trị có thể làm giảm vi sinh vật có lợi trong đường ruột hoặc giảm hoạt động của nhu động ruột, khiến trẻ bị táo bón, khó đi đại tiện.
Trẻ bị thiếu nước hay mất nước: Khi trẻ uống quá ít nước, cơ thể sẽ hấp thụ bất kỳ nguồn nước nào trong cơ thể để duy trì các hoạt động, ngay cả phân. Điều này khiến phân trở nên khô cứng, khó đẩy ra ngoài, lâu dần gây ra táo bón.
Môi trường sống thay đổi: Khi môi trường sống thay đổi trẻ cũng có thể bị táo bón chức năng. Chẳng hạn như khi trẻ bắt đầu đi học, thức ăn trên trường có thể không hợp khẩu vị khiến con lười ăn hoặc trẻ ngại đi đại tiện vì nhút nhát, không thấy thoải mái với nhà vệ sinh trên trường.
Nếu tình trạng táo bón cơ năng ở trẻ không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến nhiều ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng như nứt hậu môn, chảy máu khi đi tiêu, sa trực tràng, són phân, tắc ruột, suy dinh dưỡng, chậm tăng trưởng. Do vậy, ngay khi thấy trẻ bị táo bón, mẹ hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt nhé.
Để điều trị táo bón chức năng ở trẻ em, mẹ có thể tham khảo những cách dưới đây:
Với trẻ bú mẹ, con thường rất ít khi bị táo bón vì sữa mẹ rất dễ tiêu hóa. Thế nhưng, nếu chế độ dinh dưỡng của mẹ không đảm bảo đầy đủ chất thì trẻ vẫn có thể bị táo bón. Do vậy mẹ nên bổ sung nhiều rau xanh, trái cây, thịt, cá, trứng, sữa và hạn chế thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ để tạo nguồn sữa chất lượng cho con bú.
>> Xem thêm: Trẻ bú mẹ bị táo bón, mẹ nên ăn gì để giúp con dễ đi ngoài?
Mẹ có thể tập cho con thói quen đi tiêu vào một thời điểm nhất định trong ngày, ví dụ như vào buổi sáng sớm hoặc sau khi ăn xong. Mẹ cho trẻ ngồi đi vệ sinh trong 10 phút/lần và đặt thêm ghế nhỏ dưới chân để phân dễ đẩy ra ngoài hơn.
Cho trẻ thường xuyên vận động cơ thể không chỉ giúp xương khớp thêm dẻo dai, mà còn tăng cường trao đổi chất, kích thích hoạt động của ruột. Nhờ đó trẻ đi đại tiện dễ dàng và giảm táo bón chức năng hiệu quả.
Một cách khác để khắc phục táo bón cơ năng ở trẻ là xoa bóp bụng. Mẹ dùng dầu massage thoa đều lên bàn tay sau đó ấn nhẹ các ngón tay lên bụng con theo hình chữ U ngược (bắt đầu từ phía dưới bên trái, kéo ngang qua vùng rốn rồi xuống dưới). Mẹ thực hiện xoa bóp 10 - 15 lần và 2 - 3 lần/ngày.
>>> Xem thêm: Cách massage cho trẻ sơ sinh bị táo bón mà mẹ không nên bỏ qua
Trong một số trường hợp, trẻ bị táo bón cơ năng cần phải dùng thuốc điều trị. Việc sử dụng thuốc nào và liều lượng ra sao sẽ theo chỉ định của bác sĩ, mẹ không nên tự ý mua thuốc về cho con sử dụng, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Khi chăm sóc trẻ bị táo bón, mẹ chú ý một vài điều sau:
• Không tự ý dùng thuốc hay thụt tháo hậu môn mà không có sự tư vấn của bác sĩ.
• Không la mắng trẻ khi con bị són phân, hay bắt ép trẻ phải đi tiêu.
• Đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu có các dấu hiệu bất thường như táo bón trên 2 tuần, đau bụng dữ dội, phân lẫn máu, sốt, nôn ói, phân có màu đen,...để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
Có thể thấy, táo bón chức năng ở trẻ em tuy không phải là tình trạng hiếm gặp, nhưng nếu không được điều trị đúng cách từ sớm thì sẽ dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Chính vì vậy, nếu nhận thấy tình trạng táo bón tái phát thường xuyên, mẹ nên đưa trẻ đi gặp bác sĩ. Bên cạnh đó, đừng quên chăm sóc hệ tiêu hóa của con khỏe mạnh bằng cách cho trẻ ăn uống đủ dưỡng chất, chọn sữa công thức dễ tiêu hóa, đi tiêu đúng giờ và massage bụng cho con nhé.