Nhảy đến nội dung
em bé 10 tuần tuổi

Sự phát triển của trẻ 10 tuần tuổi và cách chăm sóc tốt nhất

Trải qua một khoảng thời gian “tay ôm gối ấp”, hẳn là nhiều mẹ rất thắc mắc em bé 10 tuần tuổi nay đã biết làm gì? Bởi đây là giai đoạn trẻ phát triển rất nhanh về chiều cao, cân nặng lẫn não bộ, ngay cả khi đang ngủ. Những thông tin dưới đây sẽ giúp mẹ hiểu rõ về sự phát triển của trẻ 10 tuần tuổi và bí quyết chăm sóc để đảm bảo con luôn khỏe mạnh.

1. Sự phát triển thể chất của trẻ 10 tuần tuổi

Trước khi tìm hiểu các mốc phát triển con đạt được, mẹ cần nắm được bé 10 tuần tuổi nặng bao nhiêu là đủ? Trung bình các bé sẽ tăng từ 2 - 3kg cân nặng và tăng chiều dài khoảng 5cm so với lúc chào đời. Do đó, ở thời điểm này, nhiều phụ huynh sẽ khá bất ngờ khi thấy chân tay con trở nên mũm mĩm, đầy đặn và quần áo lẫn đồ dùng cá nhân cũng bị chật hơn.

>>> Xem thêm: Bảng chiều cao và cân nặng của trẻ sơ sinh chi tiết nhất 

2. Em bé 10 tuần tuổi có những thay đổi gì?

Đi cùng với sự tăng trưởng thể chất rõ rệt, trẻ sơ sinh 10 tuần tuổi cũng đạt được các mốc phát triển nhất định như:

2.1. Phát triển về kỹ năng vận động

Hướng tới mốc 3 tháng sắp tới, bé yêu đang tích cực rèn luyện các kỹ năng vận động thô gồm học lăn, lẫy, đá chân và giữ cho đầu lẫn thân trên nâng cao mỗi khi được đặt nằm sấp. Do đó, trong quá trình tìm hiểu trẻ 10 tuần tuổi biết làm gì, mẹ có thể thấy con đã có thể ngẩng cao đầu trong thời gian ngắn hoặc lật người từ nằm nghiêng sang nằm ngửa và ngược lại.

Mặt khác, một số kỹ năng vận động tinh như di chuyển ngón tay, đưa tay lên miệng, hay nắm bắt một vật trước mắt… cũng được em bé 10 tuần tuổi thực hiện ngày càng linh hoạt hơn. Vì thế, mẹ cần phải cẩn thận trong quá trình chăm sóc, không nên để vật nhọn hay nước nóng trên bàn khi đang bế trẻ để tránh con chộp lấy gây xước, bỏng da.

sự phát triển của trẻ 10 tuần tuổi

 

2.2. Khả năng nhận thức

Giờ chơi cũng là lúc mẹ có thể nhận thấy sự phát triển của trẻ 10 tuần tuổi rõ ràng hơn. Theo đó, những món đồ chơi âm nhạc, lục lạc hay nhiều màu sắc tươi sáng sẽ thu hút sự chú ý của con. Đồng thời, con sẽ vô cùng phấn khích khi thấy khuôn mặt quen thuộc như bố mẹ, ông bà và có thể tỏ ra lo lắng nếu người lạ xuất hiện.

2.3. Phát triển về khả năng giao tiếp

Thay vì dùng tiếng khóc để bày tỏ cảm xúc như trước đây, em bé 10 tuần tuổi đã biết phát ra âm thanh bằng nhiều cách như thủ thỉ, ọc ọc, phun nước bọt hoặc một số âm “ư”, “a”… mỗi khi trò chuyện cùng bố mẹ. Trong giai đoạn này, con cũng bắt đầu tập lắng nghe tiếng trò chuyện quanh mình, hay phản ứng lại các âm thanh to và lạ bằng cách giật mình.

2.4. Giấc ngủ của trẻ 10 tuần tuổi

Trẻ sơ sinh 10 tuần tuổi ngủ bao nhiêu tiếng? Thông thường, em bé sẽ ngủ khoảng 15 - 16 giờ mỗi ngày, gồm 7 - 8 giờ vào ban ngày và 8 - 9 giờ vào ban đêm. Mẹ không cần quá lo lắng về lịch trình ngủ của con, bởi hầu hết các bé đã bắt đầu phát triển nhịp sinh học. Điều này đồng nghĩa trẻ đã phân biệt được sự khác biệt giữa ngày và đêm, nên thời gian ngủ cũng dần ổn định hơn.

2.5. Sức khỏe em bé 10 tuần tuổi

Trong giai đoạn phát triển, trẻ có thể gặp một số vấn đề sức khỏe như:

   • Hội chứng đầu phẳng: Là tình trạng đầu của trẻ không đối xứng hoặc bị biến dạng. Nguyên nhân phần lớn là do trẻ nằm trong tư thế ngửa liên tục, dẫn đến áp lực tác động vào một điểm kéo dài sẽ tạo nên mặt phẳng trên hộp sọ.

   • Trào ngược: Nếu bé nôn trớ một lượng lớn sữa trong cùng một ngày, rất có thể bé đang mắc phải chứng trào ngược dạ dày. Tình trạng này thường gặp ở các bé dưới 1 tuổi do cơ vòng thực quản (loại cơ nối cổ họng với dạ dày) của bé quá yếu.

   • Chảy nước dãi: Đây không hẳn là dấu hiệu trẻ mọc răng, mà lượng nước dãi tiết nhiều trong giai đoạn này chủ yếu do con có thói quen mút tay hoặc đưa mọi thứ vào miệng. Để chặn nước dãi tiết ra mẹ có thể mặc yếm cho bé, nhưng cần tháo ra khi ngủ để không làm con ngạt thở.

sức khỏe của em bé 10 tuần tuổi

 

3. Mách mẹ cách chăm sóc trẻ 10 tuần tuổi phát triển khỏe mạnh

Bên cạnh việc khám phá những hoạt động thú vị của trẻ khi bước sang tuần thứ 10, mẹ đừng quên “bỏ túi” mẹo chăm sóc để hỗ trợ con phát triển tốt nhất dưới đây:

3.1. Đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng của trẻ

Nhiều mẹ khá lo lắng khi xuất hiện tình trạng em bé 10 tuần tuổi biếng ăn (ít bú sữa). Song, đây là một hiện tượng bình thường do giai đoạn này trẻ bắt đầu tập lẫy, lật và khám phá môi trường xung quanh nên sẽ lười bú mẹ. Bên cạnh đó, vào khoảng 2 tháng sau khi chào đời, trẻ có thể được tiêm vaccine phòng ngừa các bệnh lý như ho gà, uốn ván, viêm gan B… Khi ấy, tác dụng phụ của vaccine sẽ làm trẻ mệt mỏi, khó chịu, dẫn đến biếng bú.

Tốt nhất, mẹ nên theo dõi để có giải pháp hợp lý cho vấn đề biếng ăn ở trẻ sơ sinh; đồng thời tiếp tục duy trì cho bé bú sữa mẹ đến khi được 2 tuổi, nhưng cần chia nhỏ các cữ bú nhằm giúp con nhận được đầy đủ dinh dưỡng cần thiết. Vậy trẻ 10 tuần tuổi bú bao nhiêu? Tùy vào cân nặng và thể trạng của mỗi bé mà lượng sữa sẽ khác nhau. Tuy nhiên, tính trên trung bình, khi được 2 tháng tuổi mỗi ngày bé cần bú khoảng 120ml/cữ và từ 6 - 7 cữ/ngày (mỗi cữ cách nhau 3 giờ).

3.2. Giữ cho bé một giấc ngủ dài và ổn định

Có phải em bé của bạn dường như chỉ ngủ trong 45 phút tại một thời điểm trong ngày? Mặc dù đây là độ dài tự nhiên trong chu kỳ giấc ngủ của trẻ, nhưng nếu cha mẹ vội vàng dỗ dành hay cho trẻ dậy luôn, con sẽ càng quen ngủ những giấc ngắn và rất khó học cách ngủ 1 giấc dài. Chính vì thế, để tránh tình trạng bé ngủ chập chờn, mẹ hãy thử phương pháp Wake To Sleep (đánh thức để ngủ).

Theo đó, trước khi kết thúc chu kỳ 45 phút, mẹ hãy đánh thức bé nhẹ nhàng như lay người, xoa bụng, cù chân hoặc vuốt tóc bé. Lúc này, con có thể không tỉnh hẳn mà chỉ giật mắt, ọ ẹ và cựa quậy một chút giống người lớn bị làm phiền khi đang ngủ say. Sau đó, bé sẽ tiếp tục chìm vào giấc ngủ và bước sang chu kỳ 45 phút mới.

3.3. Chú ý đến các “tín hiệu” của trẻ

Để nắm được sự phát triển của trẻ 10 tuần tuổi tốt nhất, mẹ cần học cách diễn giải tín hiệu của con. Cụ thể:

   • Bé mệt mỏi và cần được ru ngủ: Khi bé ngáp liên tục, dụi mắt, hoặc dùng tay búng tai, cho ngón tay vào miệng. 

   • Trẻ đang bị kích thích quá mức: Lúc này, trẻ có dấu hiệu ưỡn lưng, vặn người, vung tay đá chân, hay nhắm mắt ngoảnh đi chỗ khác… thì cần được nghỉ ngơi hoặc thay đổi hoạt động mới.

   • Bé muốn chơi đùa: Nếu bé quay đầu về phía bạn và nghiêng đầu, hay đưa tay đòi bế và thủ thỉ/ bập bẹ/ cười, điều đó có nghĩa là chúng đang muốn chơi.

3.4. Dành thời gian chơi cùng bé

Giờ đây, hoạt động vui chơi là một phần không thể thiếu trong ngày của bé. Mẹ hãy treo những món đồ chơi nhiều màu sắc (có âm thanh càng tốt) trên xe đẩy hoặc trong nôi sẽ giúp trẻ phát triển thị lực và rèn luyện các kỹ năng chụp, nắm, cầm. Khi bé nằm ngửa, mẹ có thể sử dụng đèn pin tạo những vệt sáng di chuyển trên trần nhà, hoặc dùng tay tạo bóng con vật trên tường để con dõi theo nhằm tăng khả năng tập trung. Ngoài ra, mẹ đừng quên cho em bé 10 tuần tuổi đi dạo ngoài trời để thư giãn và ngắm nhìn mọi vật xung quanh.

chơi đùa với em bé 10 tuần tuổi

 

3.5. Tập cho bé nằm sấp

Khi tập cho bé nằm sấp, mẹ có thể để một món đồ chơi gần bé hoặc di chuyển chúng theo nhiều hướng khác nhau để khuyến khích bé dùng cánh tay đẩy người lên phía trước. Nếu trẻ có thể giữ đầu trong thời gian lâu hơn, mẹ hãy đẩy nhẹ chân để thúc trẻ bò. Lúc đầu, mẹ tập cho bé một vài phút rồi tăng dần thời gian lên, giúp trẻ ghi nhớ cách thực hiện. 

Bên cạnh đó, để tăng cường sức mạnh cho đôi chân con cứng cáp hơn, mẹ có thể xoa bóp chân nhẹ nhàng và di chuyển theo động tác đạp xe.

4. Một số lưu ý trong quá trình chăm sóc bé tuần thứ 10

Để hỗ trợ trẻ sơ sinh 10 tuần tuổi phát triển toàn diện, mẹ hãy lưu ý một số điều sau:

   • Vừa hành động một điều gì đó vừa diễn tả là cách luyện nghe cho bé, giúp con phát triển khả năng nhận thức hơn.

   • Khen ngợi khi bé biết bắt chước các hành động từ bố mẹ.

   • Thường xuyên đặt các câu hỏi để kích thích khả năng học hỏi của bé.

   • Nói những câu đơn giản khi trò chuyện cùng bé, nhưng nên ưu tiên nói theo vần điệu và đọc lớn cho bé nghe.

   • Giữ bé ở tư thế thẳng trong và sau khi ăn, với đầu ngẩng cao khoảng 30 độ để tránh tình trạng sữa trào ngược lên.

   • Không để bé nằm trên giường, hoặc trên bất kỳ nơi nào quá cao và cách xa mặt đất mà không dõi theo.

 

Qua những chia sẻ trên, chắc hẳn mẹ đã biết được em bé 10 tuần tuổi có những biến đổi gì mới. Hãy luôn theo dõi sự phát triển của trẻ 10 tuần tuổi để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường, đồng thời chú ý bổ sung đầy đủ lượng sữa cần thiết giúp con tăng trưởng khỏe mạnh, mẹ nhé!

Trang này có hữu ích không?

Friso cám ơn những phản hồi của mẹ
Friso cám ơn những phản hồi của mẹ
bé 8 tháng đi ngoài nhiều lần trong ngày

Bé 8 tháng đi ngoài nhiều lần trong ngày: Bố mẹ nên làm gì?

8 tháng tuổi là thời điểm mà bé yêu đã làm quen với chế độ ăn dặm được 2 tháng. Tuy nhiên, lúc này hệ tiêu hóa vẫn còn khá non nớt, vẫn có thể chưa thích nghi với việc tiêu hóa thức ăn nên dễ rối loạn và mắc các vấn đề về đường ruột, điển hình là tiêu chảy khiến bé đi ngoài liên tục. Vậy phải làm gì khi bé 8 tháng đi ngoài nhiều lần trong ngày? Cùng Friso tìm hiểu rõ hơn qua bài viết dưới đây nhé!