Vì sao cần bổ sung kẽm cho trẻ tiêu chảy và cần lưu ý gì?
Ngoài bù nước và bù điện giải, bổ sung kẽm cho trẻ tiêu chảy là một vi.... read more
Ngay từ giây phút đầu tiên được ôm con vào lòng, mẹ đã cảm thấy thật mãn nguyện và hạnh phúc vì sau 9 tháng 10 ngày, thiên thần nhỏ của mẹ đã chào đời. Tất nhiên, lần đầu làm mẹ không thể tránh khỏi nhiều băn khoăn như “con đã bú no chưa”, “trẻ khóc nhiều thế này là bị làm sao” hoặc phổ biến nhất là “trẻ có khỏe mạnh hay không?”.
Nếu mẹ cũng trăn trở về vấn đề này và chưa có được giải đáp chính xác, hãy tham khảo bài viết dưới đây. FRISO đã tổng hợp dấu hiệu trẻ phát triển tốt để phụ huynh có thêm an tâm khi chăm sóc con.
Sau đây là biểu hiện của một em bé đang khôn lớn khỏe mạnh mà bố mẹ có thể tham khảo:
Trẻ sơ sinh sau khi chào đời đã có bản năng bú bẩm sinh, nghĩa là khi mẹ đưa bất kỳ vật gì gần với miệng thì trẻ đều thực hiện động tác mút. Đây cũng là một cách để mẹ dự đoán tình trạng sức khỏe của trẻ. Chẳng hạn như, nếu trẻ đòi bú thường xuyên thì điều này chứng tỏ trẻ đang tiêu hóa tốt và phát triển khỏe mạnh.
>> Xem thêm: Bé không chịu bú mẹ thì phải làm sao?
Nhiều trường hợp trẻ được mẹ thay bỉm từ 4 đến 6 lần mỗi ngày cho thấy tình hình sức khỏe của con rất tốt. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp trẻ dù đi vệ sinh đều đặn nhưng cân nặng không tăng lên đáng kể.
Điều này có thể là do nguồn sữa cung cấp cho trẻ chưa có đầy đủ dưỡng chất, trẻ hấp thu kém hoặc đang mắc phải bệnh lý nào đó. Khi ấy, tốt nhất là bố mẹ nên đưa con đi khám để bác sĩ chẩn đoán và đề xuất cách điều trị kịp thời, giúp trẻ phát triển ổn định, bình thường.
Khi tìm hiểu về quá trình phát triển của trẻ, nhiều phụ huynh đã cảm thấy ngạc nhiên khi mới 1 tháng tuổi, con yêu đã giao tiếp được qua đôi mắt; biết cười với mẹ ở tháng thứ 2; biết thì thầm khi được 3 tháng tuổi và biết cười thành tiếng khi được 4 tháng tuổi.
Ngoài ra, đến cuối tháng thứ 5, em bé của mẹ biết mỉm cười đáp lại với người khác như thể đây là một phản xạ tự nhiên. Tất cả điều này đều là biểu hiện trẻ sơ sinh đang phát triển khỏe mạnh và chính con cũng nhận thức rất tốt về thế giới xung quanh.
Trẻ sơ sinh được cho là tăng trưởng đạt chuẩn khi trong 6 tháng đầu tiên, trẻ tăng lên khoảng 141,7 - 198,4g cân nặng và 1,27 - 2,54cm chiều cao mỗi tuần.
Trường hợp trẻ chưa đạt được cột mốc này (dù là ở chiều cao hay cân nặng) thì phụ huynh cũng nên đưa con đi khám để bác sĩ tìm ra nguyên nhân, chỉ định cách chăm sóc tốt hơn, giúp con tăng cân, tăng chiều cao đều đặn.
>>> Xem thêm: Bảng chiều cao và cân nặng chi tiết cho trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh đã có khả năng nghe từ khi chào đời nhưng phải mất vài tuần sau đó, trẻ mới phân biệt được các loại âm thanh khác nhau. Vì thế, khi mẹ nhìn thấy trẻ bị thu hút bởi âm thanh của âm nhạc hơn là âm thanh từ món đồ chơi, tức là thính giác của con đã phát triển và não bộ tăng cường nhận thức tốt hơn.
Đặc điểm của trẻ sơ sinh mới chào đời là con hay khóc và thậm chí là khóc rất nhiều. Tuy nhiên, nếu nghe được giọng nói của bố mẹ, được ôm ấp, dỗ dành thì con sẽ cảm thấy an tâm và không còn quấy khóc nữa. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ giữa trẻ và phụ huynh đã gắn kết với nhau, đồng thời trẻ đang phát triển về cảm xúc rất tốt.
Ở giai đoạn chu sinh, thị lực của trẻ khoảng 20/100 nên con chưa nhìn xa được mà chỉ có thể nhìn trong khoảng cách từ 20 - 30cm (tức là khoảng cách từ khuôn mặt của mẹ đến khuôn mặt của trẻ khi cho con bú). Đến 1 tháng tuổi, trẻ nhìn được xa hơn (khoảng 45cm) song lúc này trẻ chưa có nhận thức hoàn chỉnh về màu sắc.
Phải đến vài tháng sau, khi mẹ nhìn thấy con hay tập trung theo dõi vào đồ vật nhiều màu như chong chóng hoặc đồ vật đang chuyển động như quạt trần thì mới biết rằng, thị lực của trẻ đã trở nên sắc bén, đồng thời não bộ phát triển tốt hơn.
Khi trẻ được 4 tháng tuổi, mẹ có thể nhìn thấy con không còn quấy khóc vào ban đêm nữa mà có giấc ngủ ngoan hơn. Điều này là do hệ thần kinh của trẻ đã hoàn thiện hơn đấy. Những gì mẹ cần làm lúc này là xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, êm dịu với tiêu hoá của con và đừng quên chuẩn bị không gian ngủ lý tưởng, để trẻ được ngủ ngon, thẳng giấc, từ đó khôn lớn thật khỏe mạnh.
Tùy vào bú mẹ hay bú sữa công thức, mỗi trẻ có tần suất đi ngoài bình thường khác nhau. Đối với trẻ bú mẹ, tần suất đại tiện có thể từ 2 đến 3 lần/ngày, đôi khi từ 4 đến 5 lần/ngày. Trẻ uống sữa công thức đi ngoài ít hơn so với trẻ bú mẹ, từ 1 đến 2 lần/ngày.
Tuy nhiên, điều quan trọng để đánh giá trẻ có khỏe mạnh hay không là dựa vào tính chất của phân. Nếu trẻ đi ngoài phân mềm, có màu vàng (đối với trẻ bú mẹ) hoặc màu nâu (đối với trẻ bú sữa công thức) thì điều này đồng nghĩa trẻ phát triển bình thường.
Ngược lại, nếu con đi phân lỏng liên tục, có màu đen, mất nước hoặc phân lớn, khô, cứng có lẫn máu thì phụ huynh phải đưa con đi gặp bác sĩ ngay. Bởi, các dấu hiệu này cho thấy, sức khỏe tiêu hóa của trẻ đang gặp phải vấn đề (chẳng hạn như tiêu chảy hoặc táo bón), cần được điều trị càng sớm càng tốt để không ảnh hưởng đến quá trình phát triển về sau.
>> Mẹ cần biết: Trẻ sơ sinh đi ngoài bao nhiêu lần một ngày là bình thường?
Cuối cùng, mẹ có thể nhận biết dấu hiệu trẻ sơ sinh khỏe mạnh là khi con đã biết ngẩng đầu vào 1 tháng tuổi; biết lẫy vào 3 tháng tuổi; biết lăn qua lăn lại hai bên, tự ngồi khi được 6 tháng tuổi và đồng thời, trẻ đã biết đứng, biết đi chập chững khi được 12 tháng tuổi.
Cha mẹ nên lưu ý một số dấu hiệu bất thường trong quá trình phát triển của trẻ dưới đây, để kịp thời đưa con đi khám và được can thiệp y tế nhanh chóng:
• Dấu hiệu vàng da xuất hiện sớm trong vòng 24 giờ sau sinh.
• Tình trạng vàng da còn xuất hiện ở ngực, cánh tay, chân hoặc lòng trắng của mắt.
• Trẻ ngủ li bì, rất khó đánh thức.
• Bú ít hoặc bỏ bú.
• Không đi tiêu trong vòng 48 giờ.
• Sốt cao (đặc biệt là trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi cần nhanh chóng đưa con đi khám ngay).
• Trẻ thở gấp (hơn 60 nhịp thở trong một phút) hoặc đôi khi thở khò khè, tím quanh môi và làn da xanh xao.
• Trẻ bị co giật, thường là co giật cục bộ như mấp máy môi, giật tay chân hoặc co giật toàn thân.
• Mắt bị sưng tấy và chảy mủ.
• Trẻ nôn liên tục, đặc biệt là dịch nôn có màu xanh hoặc màu vàng.
• Có mùi, chảy dịch hoặc chảy máu từ dây rốn.
• Trẻ quấy khóc liên tục dù cho mẹ đã vỗ về, dỗ dành.
Ngoài tìm hiểu dấu hiệu trẻ sơ sinh khỏe mạnh thì phụ huynh cũng phải lưu ý về cách chăm sóc trẻ trong giai đoạn đầu đời. Theo đó, dinh dưỡng là yếu tố quan trọng đầu tiên, bố mẹ cần quan tâm để giúp trẻ được phát triển tốt.
Tuỳ vào mỗi giai đoạn tăng cường của trẻ mà có cách xây dựng chế độ ăn khác nhau, cụ thể:
Đối với trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra khuyến cáo, mẹ nên nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong ít nhất 6 tháng đầu đời. Lý do là trong sữa của mẹ chứa nhiều dưỡng chất quan trọng, cần thiết đối với sức khỏe và sự phát triển của con. Ngoài ra, khi mẹ cho con bú thường xuyên, điều này cung cấp nguồn kháng thể dồi dào, giúp tăng cường đề kháng, giảm nguy cơ nhiễm trùng và đảm bảo trẻ sơ sinh khỏe mạnh.
Trường hợp mẹ không thể nuôi con bằng sữa mẹ vì một lý do nào đó thì lúc này, sữa công thức là một lựa chọn thay thế phù hợp. Ở giai đoạn đầu đời, do hệ tiêu hóa, sức đề kháng và hệ miễn dịch của trẻ còn yếu ớt, chưa hoàn thiện nên khuyến khích mẹ hãy ưu tiên dòng sữa êm dịu với tiêu hóa của con; đồng thời bổ sung nhiều dưỡng chất quý, giúp trẻ nâng cao miễn dịch và đạt mốc phát triển ở từng giai đoạn.
Đối với trẻ sơ sinh từ 6 - 12 tháng tuổi
Ngoài sữa là nguồn dinh dưỡng quan trọng thì phụ huynh cũng phải xây dựng chế độ ăn phù hợp với trẻ khi con đến tuổi ăn dặm. Cụ thể, thực đơn hằng ngày của trẻ nên đầy đủ thực phẩm giàu đạm (giúp phát triển thể chất và nâng cao miễn dịch); thực phẩm giàu chất béo (cung cấp năng lượng và tăng hấp thu vitamin A, E, D); thực phẩm giàu tinh bột (hỗ trợ chức năng hệ thần kinh) cùng với thực phẩm giàu vitamin - khoáng chất (đảm bảo sự tăng trưởng tối ưu cho trẻ).
Ngoài ra, khi chế biến thực phẩm, mẹ nên ưu tiên cách nấu chín, làm món ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa thay vì có kết cấu quá đặc, cứng có thể khiến trẻ khó hấp thu, tăng nguy cơ hóc - nghẹn. Đặc biệt, trong bữa ăn của con không được nêm muối, đường hay nước mắm vì lúc này, hệ thống tiêu hóa của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh để có thể xử lý tốt các loại gia vị này. Do đó, hạn chế là cách tốt nhất giúp bảo vệ đường ruột của con.
>> Có thể mẹ chưa biết: Kinh nghiệm cho trẻ ăn dặm để trẻ hấp thu tốt, tiêu hoá dễ dàng
Song song với chế độ dinh dưỡng khoa học, còn có một số lưu ý về cách chăm sóc để giúp trẻ sơ sinh khỏe mạnh, tăng trưởng đạt chuẩn:
• Do phản xạ khi mới chào đời còn non nớt nên hầu hết trẻ sơ sinh dễ bị ọc sữa hoặc nôn trớ sau khi bú. Để hạn chế tình trạng này, mẹ nên cho con bú theo đúng tư thế từ hướng dẫn của bác sĩ. Đồng thời, vỗ ợ bằng cách bế trẻ ở tư thế thẳng, ngực áp vào một bên ngực của mẹ và tay của mẹ vỗ nhẹ lưng đến khi trẻ phát ra tiếng ợ là được.
• Hãy cho trẻ mặc quần áo đầy đủ, bao tay, bao chân, đội mũ và đắp chăn mỏng để giữ ấm cơ thể, tránh tình trạng trẻ bị lạnh, hạ thân nhiệt.
• Hãy tắm và vệ sinh rốn của trẻ mỗi ngày để tránh nguy cơ nhiễm trùng đường rốn.
• Bảo vệ làn da của con bằng cách sử dụng các loại xà phòng tự nhiên, dịu nhẹ, dành riêng cho trẻ sơ sinh.
• Mẹ nên cho trẻ ngủ trong căn phòng mát mẻ, có ánh sáng mờ và giảm thiểu tiếng động tối đa để trẻ được ngủ ngon, thẳng giấc và không giật mình quấy khóc.
• Đưa trẻ đi khám và tiêm phòng vắc xin định kỳ để tăng cường miễn dịch đặc hiệu, giảm nguy cơ mắc bệnh, cũng như giúp trẻ phát triển khỏe mạnh trong tương lai.
>> Mẹ có thể xem thêm: Cách chăm sóc trẻ sơ sinh từ 0 đến 6 tháng tuổi
Hi vọng qua thông tin trên đây, phụ huynh đã nắm rõ đâu là dấu hiệu trẻ sơ sinh khỏe mạnh, phát triển tốt. Có thể nói, được chứng kiến con chào đời, khôn lớn ổn định trong từng giai đoạn là điều hạnh phúc nhất đối với bố mẹ.
Tất nhiên, trong quá trình phát triển, trẻ có thể gặp phải một số vấn đề. Nhưng, thay vì chủ quan bỏ qua, bố mẹ hãy thường xuyên theo dõi, kịp thời đưa con đi gặp bác sĩ để có biện pháp can thiệp sớm, đảm bảo trẻ được tăng trưởng ổn định về lâu dài.